Trước thực trạng gia tăng thông tin giả mạo, sai sự thật, mất kiểm soát trên mạng xã hội, Thủ tướng Chính phủ ngày 03/02/2020 đã ban hành nghị định 15/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/4 với nhiều quy định rõ hơn, chi tiết hơn liên quan đến việc xử lý các vi phạm hành chính trong môi trường bưu chính, viễn thông.
Không gian mạng ngày càng phát triển với mạng lưới rộng khắp, tốc độ chia sẻ nhanh, giúp con người càng dễ dàng tiếp cận các nguồn thông tin một cách nhanh chóng và mở rộng kết nối với nhau trên không gian mạng, nhất là qua mạng xã hội. Mạng xã hội giúp ta cập nhật những tin tức đời sống xã hội một cách kịp thời, giúp ta tạo được thêm các mối quan hệ, nâng cao kỹ năng sống và sự hiểu biết của bản thân,… Tuy nhiên, bên cạnh những giá trị tích cực, mạng xã hội cũng là nơi tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn an ninh mạng, là nơi những đối tượng cơ hội chính trị, phản động tuyên truyền kích động chống Đảng, Nhà nước; các đối tượng lợi dựng để tuyên truyền sai sự thật, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản...
Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên không gian mạng, Quốc hội đã ban hành Luật An ninh mạng, chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2019. Đến nay, luật An ninh mạng đã và đang đi sâu vào đời sống xã hội, góp phần thanh lọc, xây dựng một không gian mạng “sạch”; nâng cao ý thức của người dân khi tham gia hoạt động trên không gian mạng. Tuy nhiên, cơ chế quản lý trên không gian mạng nói chung, mạng xã hội còn nhiều kẽ hở, các đối tượng tăng cường lợi dụng điều đó để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng.
Cụ thể là các hành vi như sau: đăng tải các thông tin sai sự thật, gây hoang mang dư luận, nhất là một số đối tượng kinh doanh online dùng hình thức này để tăng lượng tương tác với khách hàng hoặc một số cá nhân thiếu hiểu biết, muốn nổi tiếng, khi tiếp cận được nguồn tin “nóng” thì đăng tải ngay lập tức mà không kiểm chứng độ chính xác của thông tin.
Trong thời điểm xảy ra dịch bệnh Covid-19, rất nhiều trường hợp đăng tải thông tin sai sự thật, tin đồn chưa được xác định đã gây ra bất an trong nhân dân, một số người dân đổ xô đi mua lương thực, dược phẩm, gây ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch bệnh và dẫn tới tình trạng nhiều sản phẩm hết hàng, tăng giá đột biến, tạo cơ hội cho các đối tượng đầu cơ, tích trữ.
Công an huyện Gia Lộc xử lý đối tượng Ngô Quốc Phong trú tại thôn Phong Lâm, xã Hoàng Diệu, huyện Gia Lộc về hành vi đăng tải thông tin sai sự thật về dịch bệnh Covid-19.
Đăng tải lên mạng các hình ảnh cá nhân của người khác nhưng chưa được sự cho phép của người đó; xúc phạm danh dự, nhân phẩm của họ. Hành vi này thường do những đối tượng cầm đồ, cho vay nặng lãi thực hiện để đe dọa con nợ; những người có mâu thuẫn với nhau, dùng mạng xã hội để bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của đối phương…
Phá hoại, cản trở hoạt động của các nhóm, tập thể trên không gian mạng. Điển hình là trong thời gian qua, Bộ Giáo dục tổ chức học trực tuyến cho học sinh các cấp học, nhiều đối tượng đã lợi dụng việc này để xâm nhập vào các lớp học trực tuyến, chia sẻ các video tiêu cực, nhạy cảm nhằm mục đích phá rối hoạt động dạy và học của giáo viên, học sinh. Đăng tải, chia sẻ các hình ảnh, clip kích động bạo lực, tội ác, đánh bạc, sử dụng trái phép chất ma túy và các tệ nạn xã hội khác,… Quảng cáo, tuyên truyền, chia sẻ thông tin về các loại hàng hóa, dịch vụ bị cấm như buôn bán trái phép vũ khí, vật liệu nổ, mại dâm, lô đề,…
Sử dụng các tài khoản ảo để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Trong thời gian vừa qua, với thủ đoạn lừa đảo bán khẩu trang phòng dịch qua mạng xã hội Facebook, nhiều đối tượng chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng. Các đối tượng thường sử dụng tài khoản mạng mới lập để rao bán khẩu trang trên Facebook, khi có khách hàng đặt mua khẩu trang, các đối tượng yêu cầu khách hàng chuyển khoản trước tiền hàng. Nếu khách không đồng ý chuyển khoản trước, các đối tượng sẽ chấp nhận thu tiền khi rao hàng. Tuy nhiên, khách hàng không được kiểm tra hàng trước và không được mở hàng kiểm tra khi nhận với lý do sợ bị cơ quan chức năng phát hiện. Các đối tượng sẽ gửi hàng qua các công ty chuyển phát hoặc thuê người lạ để giao hàng. Khi khách hàng phát hiện bị lừa, liên lạc với các đối tượng để giải quyết thì các đối tượng nhanh chóng xóa tài khoản đi.
Không gian mạng là ảo nhưng chế tài xử lý là thật. Sau khi luật An ninh mạng có hiệu lực, để cụ thể hóa các hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng và chế tài xử lý, ngày 03/02/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 15/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, thay thế cho Nghị định 174/2013/NĐ-CP của Chính phủ. Nghị định này quy định hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền lập biên bản và thẩm quyền xử phạt hành chính trong các lĩnh vực: Bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin (gồm phát triển công nghiệp, công nghệ thông tin; đầu tư, mua sắm; an toàn thông tin mạng; chống thư rác, tin nhắn rác; mạng xã hội, trang thông tin điện tử, trò chơi điện tử trên mạng, trò chơi điện tử công cộng) và giao diện điện tử Nghị định này chính thức có hiệu lực kể từ ngày 15/4/2020.
Một trong những điểm mới của nghị định 15 là quy định cụ thể trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội. Tại Điều 101 Nghị định 15 quy định phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện các hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; các thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc; các thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân, kích động bạo lực, dã man, tội ác, tệ nạn xã hội, đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc…
Đặc biệt, mức phạt sẽ từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng nếu tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. Ngoài ra, bên cạnh bị phạt tiền, cá nhân có hành vi vi phạm còn buộc phải gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc các thông tin vi phạm pháp luật do thực hiện các hành vi nêu trên.
Ngoài ra, các hành vi vi phạm quy định về lưu trữ, cho thuê, truyền đưa, cung cấp, truy nhập, thu thập, xử lý, trao đổi và sử dụng thông tin cũng được quy định cụ thể tại Điều 102 Nghị định này. Trong đó, điểm e, khoản 3, Điều 102 quy định hành vi “Thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật” sẽ bị xử phạt từ 10 triệu đến 20 triệu đồng. Như vậy, theo quy định tại điểm này, hành vi tự ý thu thập, đăng tải hình ảnh của người khác lên mạng xã hội (Facebook, Zalo,…) nhưng không xin phép cũng sẽ bị xử lý theo quy định. Do đó, nếu phát hiện cá nhân, tổ chức nào tự ý sử dụng hình ảnh của mình mà bản thân không cho phép thì có thể báo với cơ quan chức năng để được xử lý theo quy định.
Có thể thấy, sau Luật An ninh mạng có hiệu lực thì Nghị định 15/2020/NĐ-CP là cơ sở pháp lý quan trọng quy định xử lý hành vi vi phạm an ninh mạng, đảm bảo đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình, đồng thời đảm bảo an toàn thông tin trên môi trường mạng cho người dùng cũng như hướng đến việc xây dựng không gian mạng lành mạnh. Mọi người dân cần tích cực nghiên cứu Luật An ninh mạng, Nghị định 15 và tuyên truyền đến mọi người xung quanh để biết và tránh những hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng. Nếu phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng, công dân cần báo ngay cho cơ quan Công an để xác minh, giải quyết. Công an huyện sẽ xử lý nghiêm những hành vi vi phạm an ninh mạng theo quy định của pháp luật. Mỗi công dân hãy là người dùng mạng xã hội thông thái, cùng nhau xây dựng môi trường mạng lành mạnh, văn minh.
Nguồn: Công an huyện Thanh Hà
Hôm nay: 151
Tổng lượng truy cập: 1294585