Tình hình dịch bệnh Covid – 19 đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người dân, nhiều người đã rơi vào tình trạng kinh tế khó khăn, không có công ăn việc làm, thiếu vốn để tiếp tục hoạt động sản xuất kinh doanh…Lợi dụng tình hình trên, đã xuất hiện một số đối tượng lừa đảo sử dụng nhiều “chiêu trò” nhằm chiếm đoạt tài sản của những người dân nhẹ dạ, cả tin, chủ yếu là những phụ nữ, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn muốn kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống. Bọn chúng thường sử dụng các trang mạng xã hội để thực hiện việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản…Nhằm giúp người dân nắm bắt được một số phương thức thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo để có biện pháp đề phòng, Công an huyện Nam Sách thông báo một số phương thức thủ đoạn điển hình của các đối tượng trong giai đoạn hiện nay để nhân dân nắm được như sau:
1.Thủ đoạn quảng cáo trên mạng xã hội với nội dung cho vay tiền tín chấp với lãi suất thấp để lừa đảo (tải App vay tiền trên điện thoại thông minh).
Các đối tượng phạm tội sử dụng bài đăng quảng cáo trên mạng xã hội facebook, zalo... với nội dung cho vay tiền tín chấp với lãi suất thấp. Trong quảng cáo có sẵn link để tải ứng dụng vay tiền online mang tên LS CREDITS hoặc SEAS CREDIT. Người có nhu cầu vay tiền sẽ sử dụng máy tính hoặc điện thoại Smartphone thông qua Appstore (IOS) hoặc CHplay (Android) để tải ứng dụng có mục đăng ký khoản vay, đồng thời phải liên hệ dịch vụ chăm sóc khách hàng qua thao tác click vào hướng dẫn và được chuyển đến kết bạn tại ứng dụng Zalo.
Sau khi kết bạn, người vay sẽ nhận được cuộc gọi từ ứng dụng Zalo hoặc có người gọi đến tự xưng là nhân viên tư vấn và chăm sóc khách hàng của công ty LS CREDITS hoặc SEAS CREDIT hướng dẫn làm thủ tục vay. Khi người vay làm theo hướng dẫn và gửi đầy đủ thông tin cá nhân thì ứng dụng sẽ hiện số tiền muốn vay nhưng không lấy được tiền ra. Tiếp đó người vay nhận phải nộp vào số tiền nhất định để đảm bảo khoản vay, sau khi chuyển tiền thì được thông báo: “nhập sai cú pháp”, “ phải nộp tiền bảo đảm”, “Chuyển khoản thất bại vì thông tin bạn điền không chính xác hoặc “Tài khoản của bạn đã bị đóng băng xin vui lòng liên hệ bộ phận chăm sóc khách hàng"...
Với lý do hỗ trợ khách hàng có thể rút được tiền từ tài khoản trên ứng dụng, các đối tượng liên lạc qua Zalo hoặc số điện thoại di động, yêu cầu bị hại chuyển tiền nhiều lần vào các tài khoản ngân hàng do chúng đưa ra để sửa thông tin tài khoản, đảm bảo giao dịch... Nhiều bị hại tin tưởng và đã chuyển tiền vào các số tài khoản này. Đến khi bị hại không có khả năng hoặc không chuyển tiền theo yêu cầu nữa thì các đối tượng sẽ chặn số điện thoại, chặn Zalo và chiếm đoạt toàn bộ số tiền đã chuyển.
Công an huyện Nam Sách họp trao đổi thông tin về tình hình tội phạm công nghệ cao hoạt động trên không gian mạng
2. Thủ đoạn tuyển “cộng tác viên” bán hàng, cộng tác viên đăng bài online để chiếm đoạt tài sản.
Các đối tượng lừa đảo liên tục chạy quảng cáo trên các trang mạng xã hội với những nội dung "Shopee, Lazada, Tiki tuyển Cộng tác viên, kiếm tiền đơn giản, làm việc tại nhà…" với yêu cầu tuyển dụng: Có điện thoại/máy tính và tài khoản ngân hàng. Các đối tượng hướng dẫn “cộng tác viên” thực hiện các nhiệm vụ lần 1, lần 2, lần 3... để mua hàng trực tiếp nhưng không nhận hàng (những kẻ lừa đảo gọi là làm tăng tỷ lệ tương tác mua hàng đối với sản phẩm), việc mua hàng sẽ thực hiện chuyển khoản qua tài khoản ngân hàng do những kẻ lừa cung cấp. Mỗi lượt mua hàng thành công sẽ được hưởng hoa hồng từ 10 - 20% số tiền gốc của mỗi đơn hàng, tiền sẽ được chuyển khoản ngược về sau 5 - 10 phút khi đặt hàng thành công (bao gồm cả tiền gốc và hoa hồng).
Ban đầu, để tạo lòng tin và kích thích lòng tham của nạn nhân, các đối tượng sẽ cung cấp đường link trên hệ thống Shopee, Lazada, Tiki… của một sản phẩm khoảng 1-3 triệu đồng vào tài khoản ngân hàng cá nhân do đối tượng cung cấp để nạn nhân chuyển khoản với số tiền tương ứng với giá trị trên hệ thống. Ngay sau đó những kẻ lừa đảo sẽ chuyển khoản ngược lại cho nạn nhân như đã thỏa thuận.
Khi nạn nhân "sập bẫy", đối tượng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ các đơn hàng có giá trị cao, đưa ra nhiều lý do khác nhau như gộp đơn, liền đơn, nhập sai cú pháp nên phải chuyển tiền lại mới hoàn tiền cho bị hại.... để yêu cầu bị hại chuyển số tiền đến vài chục triệu đồng, lúc này những kẻ lừa đảo không chuyển khoản ngược lại nữa.
Hiện Công an huyện Nam Sách đã và đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến với người dân trên các phương tiện thông tin đại chúng, đồng thời chủ động nắm tình hình, trao đổi thông tin, phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của Công an tỉnh, các sở ngành chức năng để có biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, xử lý với tội phạm công nghệ cao hoạt động trên không gian mạng thực hiện việc lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Lực lượng Công an đề nghị người dân cần đề cao tinh thần cảnh giác và lưu ý một số vấn đề sau:
+ Khi cần vay vốn thì người dân nên trực tiếp đến các Ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng trên địa bàn huyện để được tư vấn, không nên tải các ứng dụng, phần mềm, App trên hệ thống internet.
+ Người dân hết sức thận trọng, kiểm soát kỹ thông tin trước khi thực hiện các giao dịch chuyển tiền qua mạng xã hội. Khi làm cộng tác viên cho các công ty, doanh nghiệp, đơn vị cung ứng hàng hóa, dịch vụ, người dân cần kiểm tra rõ các thông tin về hàng hóa và đơn vị cung cấp thông qua nhiều nguồn khác nhau để kiểm chứng tính chính xác.
Mọi thông tin liên quan tình hình an ninh trật tự, đối tượng có biểu hiện nghi vấn liên quan đến thủ đoạn trên thì báo ngay Công an cơ sở hoặc Công an huyện Nam Sách theo số máy liên hệ: 02203.754.335.
Nguồn: Công an huyện Nam Sách và Phòng CTĐ&CTCT
Hôm nay: 6708
Tổng lượng truy cập: 3226502