Ngày 12/5, Đoàn công tác của Công an tỉnh do Thượng tá Bùi Quang Bình, Giám đốc Công an tỉnh làm trưởng đoàn đã tiến hành khảo sát thực tế một số tuyến sông, kênh mương bị ô nhiễm nguồn nước thuộc hệ thống công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải; kiểm tra hoạt động của các bến bãi và thực trạng khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh.
Hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải được xây dựng từ năm 1958, có tổng chiều dài hệ thống sông chính khoảng 232 km và hơn 2.000 km kênh nhánh, chủ yếu cung cấp nước tưới cho 135.000 ha và tiêu úng cho gần 200.000 ha đất canh tác; tạo nguồn cấp nước sinh hoạt cho hơn 3 triệu người dân và các khu công nghiệp tập trung; duy trì dòng chảy trên các trục sông, góp phần giảm thiểu ô nhiễm, cạn kiệt nguồn nước, cải thiện môi trường sinh thái.
Khảo sát tình trạng ô nhiễm tại Cống Tranh
Hệ thống thuỷ lợi Bắc Hưng Hải cung cấp nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp của các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương và Hưng Yên. Hải Dương là hạ nguồn của hệ thống Bắc Hưng Hải. Hệ thống này bắt đầu từ Cống Tranh, xã Thúc Kháng, huyện Bình Giang chảy vào sông Sặt và sông Cửu An, chảy qua các huyện Gia Lộc, Cẩm Giàng, Thanh Miện, Ninh Giang, TP Hải Dương. Đầu ra của hệ thống Bắc Hưng Hải tại cống Cầu Xe - An Thổ, xã Quang Trung, huyện Tứ Kỳ.
Khảo sát tình trạng ô nhiếm trên tuyến kênh T2
Khảo sát tình trạng ô nhiễm tại Trạm bơm Bình Lâu
Từ các năm 2014 - 2015, tình trạng ô nhiễm chủ yếu vào mùa khô nhưng những năm gần đây diễn ra thường xuyên trong năm. Trên kênh T2 dài khoảng 2km tiêu nước thải dân cư, bệnh viện, cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố Hải Dương qua cống trạm bơm Bình Lâu, nước có màu xanh đen, mùi hôi. Trên kênh tưới Thạch Khôi - Đoàn Thượng màu sắc nước sông thường xuyên có sự đổi màu, nước nổi nhiều váng bọt và có mùi hôi khó chịu… Tình trạng ô nhiễm hệ thống Bắc Hưng Hải kéo dài nhiều năm không chỉ ảnh hưởng tới nông nghiệp mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe, chất lượng cuộc sống khiến người dân bức xúc, thường xuyên có ý kiến đề nghị cơ quan chức năng tập trung giải quyết.
Người dân phản ánh tình trạng ô nhiễm trên kênh Tứ Thông
Trong buổi sáng, đồng chí Giám đốc Công an tỉnh đã khảo sát tại 8 tuyến kênh và 3 cống chính là điểm đầu nguồn của 4 tuyến sông thuộc hệ thống Bắc Hưng Hải; đồng thời, lắng nghe những phản ánh về tình trạng ô nhiễm cũng như tâm tư nguyện vọng của nhân dân sinh sống ven các tuyến sông, kênh mương. Đồng chí cũng yêu cầu Công an các đơn vị, địa phương căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao phải tiến hành thống kê, rà soát toàn bộ dự án khu, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ, làng nghề, các bãi chôn lấp, khu xử lý rác thải, khu dân cư… phân bố dọc các tuyến sông để đánh giá nguyên nhân gây ô nhiễm chính, các nguồn xả thải chủ yếu; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường… Trên cơ sở đó tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp xây dựng các giải pháp tổng thể nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường hệ thống Bắc Hưng Hải.
Khảo sát tình trạng khai thác cát trên tuyến sông Kinh Thầy.
Kiểm tra hoạt động của các bến bãi ven sông.
Chiều cùng ngày, Đoàn đã đi khảo sát, kiểm tra hoạt động của các bến bãi và thực trạng khai thác khoáng sản trên các tuyến sông Kinh Thầy, Mạo Khê, Phi Liệt thuộc địa bàn huyện Nam Sách, thị xã Kinh Môn và TP Chí Linh. Quá trình kiểm tra, đồng chí Giám đốc Công an tỉnh yêu cầu các đơn vị chức năng như: Cảnh sát giao thông, Cảnh sát kinh tế, Cảnh sát môi trường, Công an các huyện, thị xã, thành phố nắm chắc tình hình hoạt động khai thác khoáng sản trên các tuyến sông thuộc địa bàn quản lý, triển khai đồng bộ các biện pháp công tác, trong đó đẩy mạnh công tác tuần tra kiểm soát, tập trung vào những khu vực giáp ranh, điểm phức tạp về khai thác tài nguyên trái phép; chú trọng công tác tuyên truyền, tổ chức ký cam kết đối với các chủ cơ sở kinh doanh bến bãi vật liệu xây dựng, các chủ tàu, thuyền chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh, khai thác cát, sỏi; tuyên truyền đến các tầng lớp nhân dân, nhất là các hộ dân sống ven các tuyến sông về công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thủy, bảo vệ tài nguyên khoáng sản nhằm chủ động phòng ngừa, kịp thời phát hiện, đấu tranh, xử lý nghiêm tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, khai thác tài nguyên, khoáng sản trên địa bàn, đặc biệt là hoạt động khai thác cát trái phép.
Nguồn: Phương Thùy - Vũ Oanh
Hôm nay: 3714
Tổng lượng truy cập: 2831745