Sáng 28/8/2023, tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách lần thứ 4, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, các đại biểu đã cho ý kiến đối với dự án Luật Căn cước. Trung tướng Lê Quốc Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an tham dự và phát biểu làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Tại phiên thảo luận, đa số các đại biểu tán thành với báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý một số vấn đề lớn của dự thảo Luật, bày tỏ thống nhất về nội dung, tên gọi của dự thảo Luật và các vấn đề được nêu.
Tên gọi Luật Căn cước phù hợp phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng
Nêu ý kiến tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) bày tỏ nhất trí đổi tên thành Luật Căn cước vì tên gọi này phù hợp phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng quy định trong dự thảo Luật gồm công dân Việt Nam và người gốc Việt đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch.
Việc bổ sung đối tượng áp dụng là cần thiết cho công tác quản lý con người, an ninh, trật tự, mang tính nhân văn sâu sắc. Khi đổi tên Luật Căn cước công dân (CCCD) thành Luật Căn cước, một bộ phận người dân lo ngại phải thay đổi thẻ CCCD. “Tuy nhiên, để hoạt động quản lý con người, trật tự, xã hội được tốt hơn thì bước đầu tiên chắc chắn sẽ có khó khăn nhất định. Tôi cho rằng, không nên vì một vài khó khăn nhất định có thể khắc phục được ngay mà chúng ta chần chừ, không thực hiện những việc cần. Trong điều khoản chuyển tiếp cũng đã nêu rõ, chúng ta có thể sử dụng CCCD cho đến khi hết thời hạn nên không phát sinh thủ tục hành chính, chi phí” – đại biểu nêu quan điểm.
Cùng quan điểm này, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) bày tỏ thống nhất với báo cáo giải trình, tiếp thu của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội; thống nhất với việc đặt tên là Luật Căn cước, thẻ Căn cước. Theo đại biểu, trên thực tế, đặt tên như trên sẽ đảm bảo gọn gàng của tên gọi....
“Một số đại biểu cho rằng việc đổi tên thẻ sẽ gây tốn kém ngân sách, tuy nhiên, dự thảo quy định những người đã được cấp thẻ CCCD gắn chip không nhất thiết phải đổi thẻ, việc này sẽ không gây tốn kém như lo lắng của các đại biểu” – đại biểu Phạm Văn Hoà nêu ý kiến.
Đại biểu Nguyễn Thị Sửu (Đoàn Thừa Thiên Huế) đánh giá cao cơ quan soạn thảo cùng cơ quan thẩm tra đã có nghiên cứu sâu, tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến của các đại biểu đã nêu, đồng thời cho rằng nên đổi tên dự án Luật thành Luật Căn cước, tuy nhiên cần rà soát, phân tích, tích hợp các nội dung đã được nêu trong ưu điểm của phương án tên gọi Luật CCCDD.
Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy (Đoàn Tây Ninh) cũng bày tỏ tán thành với việc đổi tên thành dự án Luật Căn cước, thẻ CCCD thành thẻ Căn cước vì thẻ Căn cước mang tính chất định danh và thẻ Căn cước công dân chủ yếu xác định vấn đề quốc tịch, chủ yếu là về mặt hình thức, còn vấn đề quan trọng nhất là dữ liệu gốc- cơ sở dữ liệu quốc gia mà chúng ta lưu trữ.
Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy (Đoàn Tây Ninh) phát biểu về dự án Luật.
“Chúng ta đang hướng tới tiến đến một giai đoạn mà không cần phải thể hiện quá nhiều dữ liệu trên thẻ, mà quan trọng nhất là dữ liệu gốc. Do đó, việc đổi tên thành Luật Căn cước, theo đại biểu cũng không có ảnh hưởng gì” – đại biểu nhấn mạnh.
Nếu không có căn cước, người gốc Việt đang sinh sống tại Việt Nam vẫn đứng bên lề xã hội
Một vấn đề được rất nhiều đại biểu quan tâm đó là cấp thẻ Căn cước cho người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch. Theo báo cáo giải trình của Bộ Công an thì đây là nhóm người yếu thế, không có khai sinh, khai tử, không được quản lý nên họ rất khó khăn trong sinh hoạt, học tập, ít cơ hội làm việc. Chính vì vậy, cần cấp thẻ Căn cước để quản lý họ, giúp họ có giấy tờ để sinh hoạt, đi lại, ổn định cuộc sống. Về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) cho rằng, người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch tuy có số lượng không nhiều, chỉ có 31 nghìn người, chiếm tỷ lệ rất ít đối với dân số cả nước nhưng đang hiện hữu, sinh sống, là một phần máu thịt của cộng đồng, phần nhiều là những đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương, người nghèo, người yếu thế, không nghề nghiệp, không nhà cửa…
“Nếu không có Căn cước, không có gì chứng minh về nhân thân, lai lịch, đặc điểm nhân dạng, thì những người đó sẽ đứng bên lề xã hội, bên lề cuộc sống, không được hưởng chế độ an sinh, xã hội. Không chỉ bản thân họ mà cả con cái họ cũng không được hưởng bất cứ chế độ an sinh nào, không được giúp đỡ của cộng đồng thì sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy xảy ra, tạo ra nhiều gánh nặng xã hội. Chỉ cần gia tăng 1 người phạm tội, 1 gia đình bị đẩy lên cảnh khốn cùng, 1 cá nhân bị sa ngã vào tệ nạn xã hội sẽ kéo theo nhiều gánh nặng cho xã hội ” – đại biểu nêu quan điểm và nhấn mạnh, việc mở rộng cấp Căn cước với các đối tượng này sẽ giúp nâng cao hiệu quả quản lý của các cơ quan chức năng, đồng thời cũng giúp những đối tượng đó ổn định cuộc sống, có giấy tờ hợp pháp để tham gia các hoạt động xã hội, được hưởng các chế độ an sinh cần thiết, phù hợp.
Cũng nhất trí quan điểm này, đại biểu Phạm Văn Hoà (Đoàn Đồng Tháp) cho biết, thay đổi tên thẻ Căn cước thì phạm vi điều chỉnh của thẻ Căn cước cũng bao quát được đối tượng áp dụng của Luật bao gồm công dân Việt Nam, người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa được xác định quốc tịch.
“Đây là vấn đề mới, phù hợp và cần thiết. Do đó, tôi cho rằng, việc đổi tên là thẻ Căn cước hoàn toàn phù hợp với thực tiễn, cần thiết cấp giấy chứng nhận Căn cước cho người gốc Việt Nam chưa xác định quốc tịch” – đại biểu nhấn mạnh.
Dự thảo Luật Căn cước đã cơ bản thỏa mãn các yêu cầu của Quốc hội
Thay mặt Cơ quan soạn thảo và Cơ quan thẩm tra, Trung tướng Lê Quốc Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an phát biểu làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu; cảm ơn sự đóng góp trách nhiệm, tâm huyết, sâu sắc, toàn diện của các đại biểu đối với dự án Luật. Quá trình xây dựng dự thảo Luật, Ban soạn thảo đã tiếp thu, giải trình thấu đáo, đầy đủ các ý kiến góp ý từ Kỳ họp thứ 5 của Quốc hội và các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các ý kiến tham gia trong quá trình soạn thảo. Đến nay, dự thảo Luật Căn cước đã cơ bản thỏa mãn các yêu cầu của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng như đã quán triệt, thể chế hóa khá đầy đủ, toàn diện các quan điểm, chủ trương của Đảng, nhất là chủ trương chuyển đổi số, xây dựng công dân số, xã hội số. Đồng thời, dự thảo Luật đã bám sát các chính sách lớn, đánh giá đầy đủ đối tượng tác động; đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, đồng bộ hệ thống pháp luật; đã điều chỉnh các vấn đề lớn theo quan điểm xây dựng luật; các điều khoản áp dụng, điều khoản chuyển tiếp cũng thoả mãn các yêu cầu đề ra, nhận được sự đồng tình của nhiều đại biểu Quốc hội.
Về nội dung được nhiều đại biểu quan tâm, cho ý kiến đó là tên gọi của Luật Căn cước, Thứ trưởng Lê Quốc Hùng cho biết, đa số ý kiến cho rằng tên gọi Luật Căn cước đảm bảo tính khoa học, tính phổ biến, phù hợp với thông lệ quốc tế, mang tính bao trùm, toàn diện, phù hợp với sự thay đổi phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của dự thảo Luật.
“Ban soạn thảo tiếp tục tiếp thu, giải trình thấu đáo các vấn đề đại biểu nêu chưa đồng tình với tên gọi Luật Căn cước, đảm bảo các điều kiện trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 tới” – Thứ trưởng Lê Quốc Hùng khẳng định.
Nguồn: Bocongan.gov.vn
Hôm nay: 1137
Tổng lượng truy cập: 13103730