Sáng ngày 06/10, Công an tỉnh tổ chức Hội nghị giao ban công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) 9 tháng đầu năm 2023. Thượng tá Phạm Chí Hiếu, Phó Giám đốc Công an tỉnh chủ trì hội nghị.
Toàn cảnh Hội nghị
9 tháng đầu năm 2023, tình hình TTATGT trên địa bàn tỉnh Hải Dương có nhiều diễn biến phức tạp, mật độ người và phương tiện tham gia giao thông trên các tuyến gia tăng. Tình hình vi phạm về nồng độ cồn, ma túy, tốc độ, điều khiển phương tiện không có giấy phép lái xe, không đội mũ bảo hiểm, chở hàng quá tải trọng, chở hàng vượt quá dấu mớn nước an toàn... vẫn còn tái diễn, là nguyên nhân tiềm ẩn gây tai nạn giao thông. Hoạt động của tội phạm trên các tuyến giao thông ngày càng tinh vi hơn, nhất là tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại, tội phạm sử dụng công nghệ cao...
Trước tình hình trên, lực lượng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh triển khai quyết liệt nhiều giải pháp nhằm bảo đảm TTATGT trên địa bàn tỉnh. Công an các đơn vị, địa phương đã triển khai, thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Bộ Công an, Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban An toàn giao thông tỉnh và các kế hoạch, phương án của Công an tỉnh về đảm bảo TTATGT; chủ động xây dựng kế hoạch mở các cao điểm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông dịp Tết Nguyên đán, lễ 30/4, 01/5, đồng thời chủ động phối hợp với các ngành có liên quan thực hiện tốt vai trò tham mưu cho cấp ủy, chính quyền chỉ đạo, giải quyết, đảm bảo tình hình trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh. Trong đó, đặc biệt tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, tập trung xử lý vi phạm về nồng độ cồn, chở hàng quá tải trọng, tự ý cải tạo phương tiện trên đường bộ, gắn với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân khi tham gia giao thông.
Kết quả, lực lượng Cảnh sát giao thông đã tiến hành tuần tra, kiểm soát, lập biên bản 23.176 trường hợp vi phạm, phạt tiền trên 54 tỉ đồng, tước 4.468 giấy phép lái xe, tạm giữ 6.252 phương tiện (tăng 11.935 trường hợp, tăng hơn 26 tỉ đồng so với 9 tháng đầu năm 2022). Các lỗi vi phạm chủ yếu gồm: vi phạm tốc độ; vi phạm nồng độ cồn; vi phạm dừng, đỗ; đi vào đường cấm, khu vực cấm; chở quá số người quy định; không giấy phép lái xe…
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận những vấn đề còn vướng mắc khi thực hiện các nội dung, nhiệm vụ trong công tác bảo đảm TTATGT, những hạn chế, khó khăn khi sử dụng các trang thiết bị, phương tiện, nguồn lực ở mỗi địa phương.
Thượng tá Phạm Chí Hiếu, Phó Giám đốc Công an tỉnh phát biểu chỉ đạo tại hội nghị
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thượng tá Phạm Chí Hiếu, Phó Giám đốc Công an tỉnh nhấn mạnh, thời gian tới, Công an các đơn vị, địa phương tiếp tục nắm chắc tình hình hoạt động của người, phương tiện và theo dõi sát diễn biến tình hình TTATGT trên tuyến, địa bàn, thường xuyên tổng hợp, đánh giá, phân tích tình hình tai nạn giao thông, qua đó đề ra các chủ trương, giải pháp thực hiện có hiệu quả, nhằm hạn chế tai nạn gia thông và đảm bảo TTATGT trên địa bàn. Bên cạnh đó tăng cường phối hợp với các ngành chức năng tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT; nghiên cứu cải tiến, đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng, địa bàn, từng vùng để nâng dần ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT. Tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm TTATGT trên các tuyến, địa bàn trọng điểm, nơi tiềm ẩn tai nạn giao thông, các tuyến và địa bàn giao thông nông thôn, chú trọng trong các đợt cao điểm; khai thác có hiệu quả hệ thống camera an ninh đã được lắp đặt; lập kế hoạch chuyên đề xử lý các hành vi vi phạm, nhất là các hành vi là nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông như: sử dụng rượu, bia quá nồng độ quy định; chạy quá tốc độ quy định; tập trung trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán năm 2024. Phối hợp các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan kiểm tra, khảo sát, kiến nghị khắc phục các bất hợp lý về hạ tầng, tổ chức giao thông, các “điểm đen” về tai nạn giao thông trên các tuyến đường bộ, trong đó có các tuyến đường mới đưa vào khai thác, sử dụng...
Nguồn: Minh Hảo
Hôm nay: 2600
Tổng lượng truy cập: 9106182