Nhận thức rõ vị trí, tầm quan trọng và tính cấp thiết của việc nâng cao văn hóa ứng xử trong Công an nhân dân, thời gian qua, Công an tỉnh Hải Dương đã tổ chức quán triệt sâu sắc các quan điểm, chủ trương, chỉ thị, nghị quyết, văn bản của Bộ Công an về việc xây dựng, điều chỉnh văn hóa ứng xử Công an nhân dân trong tình hình mới; xây dựng và điều chỉnh quy tắc ứng xử phù hợp với đặc thù của từng bộ phận công tác; tập trung đẩy mạnh công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho cán bộ, chiến sĩ, nhất là văn hóa giao tiếp, ứng xử, nhằm góp phần xây dựng hình ảnh người Công an đẹp trong lòng Nhân dân.
Tuy nhiên trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, sự phát triển mạnh mẽ của các diễn đàn online, mạng xã hội như hiện nay đặt ra yêu cầu ngày càng cao về công tác quản lý cán bộ, chiến sĩ trong cả lời nói và hành động. Thực tế đã cho thấy, do thiếu kinh nghiệm, do sơ suất, thiếu thông tin hay do ngộ nhận… phát ngôn của một số cán bộ, chiến sĩ vô tình đã gây ra những dư luận, gây ảnh hưởng đến uy tín và hình ảnh của lực lượng Công an.
Trước thực trạng trên, để phòng ngừa việc phát sinh tình trạng vi phạm về văn hóa ứng xử của cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh Hải Dương; góp phần giữ vững lòng tin của Nhân dân, Lãnh đạo Công an tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp nhằm nâng cao ý thức và trách nhiệm trong kỷ luật phát ngôn, văn hóa ứng xử của cán bộ, chiến sĩ. Trong đó một lần nữa nhấn mạnh việc nâng cao nhận thức của người đứng đầu trong việc coi trọng đúng mức công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, chiến sĩ; nâng cao chất lượng công tác sinh hoạt chi bộ, chú trọng công tác phê bình và tự phê bình trong việc chấp hành các quy định về quy tắc ứng xử, kỷ luật phát ngôn của cán bộ, chiến sĩ; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, chú trọng việc kiểm tra, giám sát đột xuất đối với cán bộ, chiến sĩ trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ cụ thể; kiên quyết xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm văn hoá ứng xử.
Bên cạnh đó, thường xuyên đưa nội dung văn hóa ứng xử vào các hoạt động sinh hoạt chính trị, giáo dục truyền thống, sinh hoạt của Công an các đơn vị, địa phương các tổ chức đoàn thể, nhất là các đơn vị thường xuyên tiếp xúc, giải quyết công việc với cơ quan, tổ chức, Nhân dân; đổi mới các biện pháp triển khai, cách thức truyền đạt các nội dung đảm bảo nghiêm túc, đa dạng, phong phú, dễ tác động đến tư tưởng và quan điểm sống tích cực, nhằm hình thành thói quen tốt trong văn hóa ứng xử của cán bộ, chiến sĩ; cũng như phát huy tinh thần đoàn kết trong đơn vị, tạo môi trường công tác thật sự trong sạch, lành mạnh. Qua đó, giúp mỗi cán bộ, chiến sĩ nhận thức rõ từng hành vi, cử chỉ, lời nói hay thái độ ứng xử của mình, làm thước đo để Nhân dân đánh giá về trình độ văn hóa, năng lực công tác, tư cách đạo đức cách mạng cũng như uy tín của lực lượng Công an nhân dân nói chung, ý thức được trách nhiệm của mình trong việc thực hiện văn hóa ứng xử theo các giá trị chuẩn mực, góp phần làm cho hình ảnh của lực lượng Công an ngày càng đẹp hơn, gần gũi hơn trong lòng Nhân dân./.
Nguồn: Vũ Oanh
Hôm nay: 3218
Tổng lượng truy cập: 9106800