Chiều ngày 09/4/2024, tại Hà Nội, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban Chỉ đạo về chuyển đổi số Bộ Công an đã chủ trì Hội nghị của Ban Chỉ đạo về chuyển đổi số Bộ Công an. Dự Hội nghị có các đồng chí Thứ trưởng, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo về Chuyển đổi số Bộ Công an; các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo là lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc Bộ.
Ngày 05/10/2022, Bộ Công an đã kiện toàn Ban Chỉ đạo về chuyển đổi số Bộ Công an với sự tham gia của tất cả các đồng chí lãnh đạo Bộ, và Thủ trưởng 12 đơn vị chức năng thuộc Bộ. Ban Chỉ đạo đã ban hành Quy chế hoạt động để đề cao trách nhiệm cá nhân của các thành viên Ban Chỉ đạo trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được phân công; kiến nghị các cơ chế, chính sách và giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số. Trong quá trình hoạt động, Ban Chỉ đạo về Chuyển đổi số và Ban Chỉ đạo triển khai Đề án 06 có những giao thoa về thành phần, nội dung công tác, do vậy những cuộc họp, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo triển khai Đề án 06 cũng chính là nhằm thúc đẩy chuyển đổi số.
Năm 2024, Bộ Công an xác định là năm ngành Công an bắt đầu chuyển trạng thái lên môi trường làm việc điện tử và thực hiện chuyển đổi số toàn diện các mặt công tác Công an. Để thực hiện mục tiêu đề ra, ngày 6/02/2024, Bộ Công an đã ban hành Quyết định số 829/QĐ-BCĐ về việc ban hành Kế hoạch hoạt động năm 2024 của Ban Chỉ đạo gồm 71 nhiệm vụ, trong đó có 20 nhiệm vụ thường xuyên và 51 nhiệm vụ có tiến độ. Hội nghị được tổ chức để đánh giá rõ tình hình kết quả, tiến độ, chất lượng các nhiệm vụ đã đề ra trong Kế hoạch hoạt động năm 2024 của Ban Chỉ đạo về Chuyển đổi số Bộ Công an.
Báo cáo tại Hội nghị, Thiếu tướng Đặng Hồng Đức, Chánh Văn phòng Bộ Công an, Uỷ viên Thường trực Ban Chỉ đạo cho biết, Quý I/2024, Bộ Công an đã tham mưu Chính phủ ban hành 02 văn bản chỉ đạo, gồm: Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 11/02/2024 về việc tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 tại các bộ, ngành, địa phương năm 2024 và những năm tiếp theo; Quyết định số 175/QĐ-TTg ngày 14/02/2024 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Căn cước.
Về số hoá kết quả giải quyết thủ tục hành chính, trong Quý I/2024, ngành Công an đã số hoá hơn 2,7 triệu hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính, nâng tổng số hồ sơ số hoá từ 01/7/2022 đến nay lên trên 109 triệu hồ sơ. Về kết nối và chia sẻ dữ liệu dân cư, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã tiếp nhận hơn 1,5 tỷ yêu cầu để tra cứu, xác thực thông tin (tăng 216 triệu yêu cầu so với cùng kỳ năm 2023); đồng bộ thành công trên 268 triệu yêu cầu đồng bộ thông tin công dân vào dữ liệu dân cư.
Về các tiện ích cung cấp cho người dân, doanh nghiệp, trong Quý I/2024, Bộ Công an đã tiếp nhận trên 21 triệu hồ sơ dịch vụ công trực tuyến (tỷ lệ hồ sơ dịch vụ công trực tuyến trên toàn quốc đạt 96,5%). Bộ Công an đã phối hợp Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương triển khai 02 dịch vụ công liên thông "khai sinh", "khai tử" (đến hết Quý I/2024, đã thu nhận trên 746.000 hồ sơ trực tuyến liên thông "khai sinh" và trên 63.000 hồ sơ trực tuyến liên thông "khai tử")...
Dưới sự điều hành của Trung tướng Lê Quốc Hùng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo về Chuyển đổi số Bộ Công an, các đại biểu đã thảo luận, thẳng thắn nhìn nhận những vấn đề tồn tại cần khẩn trương tháo gỡ, khắc phục để đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số ngành Công an.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị Ban Chỉ đạo về Chuyển đổi số Bộ Công an cần hành động mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa, phát huy cao nhất vai trò thành viên Ban Chỉ đạo của Bộ để cùng với lãnh đạo Bộ thúc đẩy và hoàn thành chương trình, kế hoạch công tác đặt ra, đúng với vai trò "gương mẫu, đi đầu", góp phần thúc đẩy nhiệm vụ chuyển đổi số của Chính phủ.
Nhấn mạnh nhiệm vụ xây dựng dữ liệu số, Bộ trưởng cho rằng, dữ liệu số là một thành phần quan trọng và cốt yếu trong xây dựng chuyển đổi số; tạo lập và khai thác dữ liệu số để sinh ra giá trị mới là sự khác biệt căn bản của chuyển đổi số. Hiện nay, ngành Công an đang dần hình thành các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành phục vụ công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và cung cấp tiện ích cho người dân, doanh nghiệp. Trong đó, đã xây dựng, đưa vào sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Căn cước công dân; Cơ sở dữ liệu người nước ngoài xuất, nhập cảnh Việt Nam; Cơ sở dữ liệu Quản lý phương tiện giao thông phục vụ công tác nghiệp vụ và dịch vụ công trực tuyến.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng yêu cầu trên cơ sở nguồn dữ liệu số thu thập được, phải tổ chức xây dựng các nền tảng số, các hệ thống thông tin có thể khai thác, sử dụng các dữ liệu số để tạo ra thông tin, tri thức. Bảo đảm các nguồn lực cho chuyển đổi số vì nhân lực số là đội ngũ cán bộ có năng lực làm chủ thiết bị công nghệ số, có khả năng thích ứng nhanh với sự thay đổi của khoa học công nghệ và có trình độ nghiệp vụ để thực hiện các mục tiêu, yêu cầu của chuyển đổi số. Đồng thời, nâng cao hiệu quả, chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến ngành Công an; bảo an ninh, an toàn các hệ thống thông tin phục vụ chuyển đổi số quốc gia và các hệ thống thông tin nội bộ ngành Công an; xây dựng các quy định pháp luật phục vụ chuyển đổi số với tinh thần pháp luật phải đi trước một bước và mang tính dự báo...
Nguồn: bocongan.gov.vn
Hôm nay: 12826
Tổng lượng truy cập: 13024931