Ôm giấc mộng đổi đời nơi xứ người, tin tưởng vào những lời mời chào, hứa hẹn về một viễn cảnh tươi sáng mà các cá nhân, công ty môi giới vẽ ra, nhiều người dân trên địa bàn tỉnh Hải Dương đã mang hết tài sản, vay mượn, thậm chí thế chấp cả nhà cửa để vay hàng trăm triệu đồng với hy vọng được đi xuất khẩu lao động. Thế nhưng sau một thời gian dài chờ đợi, tiền mất mà công việc không thấy đâu, không chỉ giấc mơ bị đánh cắp mà nhiều người còn lâm vào cảnh còng lưng trả nợ vì dính bẫy lừa đảo xuất khẩu lao động.
Thời gian gần đây, nhu cầu tìm kiếm việc làm của người dân, nhất là nhu cầu đi lao động tại nước ngoài với mong muốn có mức lương cao, cho nên nhiều đối tượng đã đưa ra những lời mời chào đầy hấp dẫn và ngon ngọt để lừa đảo chiếm đoạt tiền của người lao động. Trên các trang mạng facebook, zalo, dễ dàng bắt gặp những dòng quảng cáo tuyển dụng xuất khẩu lao động với những thông tin hấp dẫn như: xuất cảnh nhanh, việc làm ổn định, lương cao, chi phí thấp, không đòi hỏi trình độ tay nghề, ngoại ngữ… Trong khi đó, người lao động thiếu kiến thức, thiếu thông tin liên quan đến các quy định về xuất khẩu lao động nên dễ bị các đối tượng cò mồi dụ dỗ, đã tìm đến các đường dây đưa người đi lao động bất hợp pháp và tự biến mình trở thành nạn nhân của hành vi lừa đảo.
Bên cạnh đó còn có nguyên nhân xuất phát từ sự quản lý chưa chặt chẽ của cơ quan chức năng. Các chi nhánh, trung tâm, cơ sở đào tạo tràn lan, là mảnh đất màu mỡ cho các đối tượng cò mồi hoạt động lừa đảo trong khi công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của các doanh nghiệp được cấp phép xuất khẩu lao động cũng chưa chặt chẽ, kịp thời, chế tài chưa đủ mạnh.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Hải Dương có rất nhiều công ty hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu lao động nhưng không phải tất cả các doanh nghiệp đều đủ điều kiện, được cấp phép, làm ăn uy tín. Một số doanh nghiệp chỉ có chức năng tạo nguồn chứ không được trực tiếp đưa người lao động đi. Nhiều người không biết điều này nên đã đóng tiền cho các doanh nghiệp nhưng không đi được và rất khó đòi lại số tiền đã đóng.
Tháng 7/2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã ra Quyết định khởi tố bị can, ra lệnh bắt tạm giam 4 tháng đối với Trần Thị Thoa, sinh năm 1969 (trú tại xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương), là Giám đốc Công ty TNHH Vương Đăng Minh (trụ sở tại số 20 Đỗ Ngọc Du, phường Phạm Ngũ Lão, thành phố Hải Dương) về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Đối tượng Trần Thị Thoa tại cơ quan Công an.
Theo kết quả điều tra, từ tháng 7/2018 đến tháng 5/2019, Trần Thị Thoa và nhân viên công ty là Nguyễn Tất Nhiệm (sinh năm 1976, trú tại xã Hưng Đạo, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương) đã nhận hồ sơ và nhận tiền của 6 người dân trên địa bàn huyện Tứ Kỳ, Kim Thành, thành phố Hải Dương với cam kết, hứa hẹn sẽ lo cho họ đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc và kết hôn với công dân nước sở tại. Điều đáng nói là công ty do Thoa làm giám đốc chỉ được cấp phép hoạt động trong các lĩnh vực, dịch vụ hỗ trợ giáo dục; tư vấn, giới thiệu và môi giới lao động, việc làm; cung ứng và quản lý nguồn lao động; ngoài ra không có giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài do Bộ lao động thương binh và xã hội cấp. Do đó, đến thời hạn, Thoa và Nhiệm không thực hiện được cam kết, cũng không trả lại tiền cho người lao động, thậm chí Trần Thị Thoa đã bỏ trốn khỏi địa phương trước khi bị bắt. Tổng số tiền các đối tượng chiếm đoạt của 6 trường hợp là hơn 1,3 tỷ đồng.
Anh T (Tứ Kỳ, Hải Dương), 1 nạn nhân của Thoa chia sẻ: “Do cuộc sống ở quê còn nhiều khó khăn, lại được người thân giới thiệu, gia đình tôi gom góp, vay mượn được 12.800 đô để chuyển cho chị Thoa với mong muốn được chị thu xếp đưa đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc. Nhưng chờ mãi, đến nay đã hơn 2 năm mà người thì chưa đi được, nợ nần thì chồng chất. Nhiều lần tôi tìm gặp chị Thoa nhưng lần nào chị cũng khất lần. Sợ bị lừa, mất trắng số tiền đã nộp nên tôi đã viết đơn tố cáo gửi đến cơ quan Công an, hy vọng lấy lại được đồng nào hay đồng ấy”.
Trước đó, vào tháng 5/2020, cũng với tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam đối với Phạm Văn Tưởng, sinh năm 1969, có HKTT tại xã Quang Phục, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương. Từ năm 2017, chỉ với lời giới thiệu “có một người đệ tử đang làm ăn, sinh sống tại nước Anh, có khả năng lo cho người lao động Việt Nam sang Anh làm ăn, sinh sống”, Tưởng đã “ra giá” mỗi suất xuất khẩu lao động sang Anh là 900 triệu đồng, nếu đồng ý thì ứng trước 50% chi phí. Tin tưởng vào những lời mời chào, hứa hẹn chắc như đinh đóng cột của Tưởng, một số người dân trên địa bàn huyện Bình Giang đã giao cho Tưởng hơn 700 triệu đồng để lo cho người thân đi lao động tại Anh. Đến nay đã hơn 2 năm, lời hứa hẹn vẫn chỉ là những lời nói suông, người lao động cũng không còn đủ kiên nhẫn để chờ đợi, đã gửi đơn tố cáo đến cơ quan chức năng với hi vọng thu lại số tiền đã bỏ ra để xuất ngoại. Nhưng người môi giới thì đã bị bắt nhưng tiền thì vẫn chưa thu lại được.
Trước thực trạng này Trung tá Nguyễn Văn Phác, Phó Trưởng phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh đã đưa ra khuyến cáo đối với người dân khi có nhu cầu đi lao động tại nước ngoài cần tìm hiểu cụ thể thông tin liên quan, nhất là tư cách pháp nhân của các đơn vị nhận hồ sơ. Hiện nay, trên trang thông tin của Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động thương binh và xã hội đã đăng tải đầy đủ tên của các đơn vị được cấp phép đưa người đi lao động tại nước ngoài cũng như các thông tin liên quan đến thủ tục cần thiết để đi lao động tại nước ngoài. Bên cạnh đó, người dân cần lưu ý, tất cả công ty xuất khẩu lao động đều phải có chương trình đào tạo, giáo dục định hướng cho người lao động. Khi ký hợp đồng lao động, người lao động cần yêu cầu công ty xuất khẩu lao động ký trực tiếp với mình. Hợp đồng cần ghi rõ nơi làm việc (công ty, nhà máy, công trường… ở các nước). Nếu không nêu được cụ thể hay né tránh ghi điều này trong hợp đồng thì nhiều khả năng công ty đó đang lừa đảo. Khi phát hiện có dấu hiệu bị lừa đảo cần báo ngay cho lực lượng chức năng để kịp thời giải quyết.
Xuất khẩu lao động là nhu cầu chính đáng của người dân. Để ngăn chặn các hành vi lừa đảo liên quan đến xuất khẩu lao động, rất cần sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương, từ việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong lĩnh vự xuất khẩu lao động, thông tin về thị trường lao động… đến công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm. Bên cạnh đó, người lao động cần hết sức tỉnh táo, đề cao cảnh giác đối với những đối tượng môi giới, tuyển người đi xuất khẩu lao động để tránh rơi vào tình cảnh “tiền mất, tật mang”.
Nguồn: Phòng CSKT
Hôm nay: 3375
Tổng lượng truy cập: 13105968