Hiện nay, có tình trạng mua bán trang phục Công an nhân dân trên các trang mạng xã hội, nhiều đối tượng đã lợi dụng việc này để giả danh Công an nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người dân. Hành vi mua bán trái phép và sử dụng trang phục Công an nhân dân để phạm tội sẽ bị xử lý như thế nào? Làm thế nào để nhận diện các đối tượng giả danh Công an?
1. Về hành vi sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép Cờ truyền thống, Công an hiệu, cấp hiệu, phù hiệu, trang phục Công an nhân dân (CAND)Cờ truyền thống, Công an hiệu, cấp hiệu, trang phục CAND là các mặt hàng đặc thù chỉ được sản xuất, cung cấp bởi các đơn vị được cho phép sản xuất thuộc lực lượng vũ trang và chỉ được cấp phát, sử dụng cho cán bộ chiến sỹ CAND sử dụng khi thi hành công vụ. Người được cấp phát có trách nhiệm bảo quản, giữ gìn cẩn thận và khi sử dụng phải đúng mục đích, đúng quy định. Khi chuyển Ngành, thôi việc hoặc bị kỷ luật buộc thôi việc thì Thủ trưởng đơn vị có trách nhiệm thu hồi các quân trang, thiết bị này.Theo Khoản 5 Điều 1 Nghị định 29/2016/NĐ-CP ngày 21/4/2016 của Chính phủ quy định: “Nghiêm cấm cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân sản xuất, làm giả, tàng trữ, đổi, mua, bán, sử dụng trái phép Cờ truyền thống, Công an hiệu, cấp hiệu, phù hiệu, trang phục CAND. Trường hợp vi phạm thì tùy tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật”.Về xử phạt hành chínhNhững tổ chức, cá nhân kinh doanh mặt hàng này thuộc trường hợp kinh doanh hàng cấm, sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 10 Nghị định 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (đã sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 124/2015/NĐ-CP ngày 19/11/2015 của Chính phủ). Những tổ chức, cá nhân sản xuất, làm giả, tàng trữ, đổi, mua, bán, sử dụng trái phép Cờ truyền thống, Công an hiệu, cấp hiệu, phù hiệu, trang phục CAND có thể bị xử phạt hành chính, mức phạt tiền từ 500.000 đồng đến 200.000.000 đồng.Ngoài ra, người có hành vi vận chuyển hàng cấm, chủ kho tàng, bến bãi, nhà ở có hành vi tàng trữ hàng cấm, người có hành vi giao nhận hàng cấm cũng bị xử phạt hành chính với mức phạt từ 500.000 đồng đến 100.000.000 đồng.Các hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu tang vật; tịch thu phương tiện là công cụ, máy móc và vật khác được sử dụng để sản xuất hàng cấm; tịch thu phương tiện vận tải được sử dụng để vận chuyển hàng cấm trong trường hợp hàng cấm có giá trị từ 70.000.000 đồng trở lên hoặc vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm; tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh, chứng chỉ hành nghề từ 01 tháng đến 03 tháng trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm; đình chỉ hoạt động một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất vi phạm từ 03 tháng đến 06 tháng…Các biện pháp khắc phục hậu quả: buộc nộp lại số tiền thu lợi bất hợp pháp có được; buộc thu hồi tiêu hủy hàng cấm đang lưu thông trên thị trường.Xử lý về hình sựTrong trường hợp sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán quân trang, quân dụng với số lượng lớn, thu lợi bất chính lớn hoặc đã bị xử phạt hành chính hoặc đã bị kết án chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì có thể bị truy cứu, xử lý trách nhiệm hình sự theo Điều 190 về tội Sản xuất, buôn bán hàng cấm, Điều 191 về tội Tàng trữ, vận chuyển hàng cấm và Điều 192 về tội Sản xuất, buôn bán hàng giả của Bộ luật Hình sự 2015 với mức hình phạt cao nhất có thể lên đến 15 năm tù. Đối với các cá nhân, tổ chức sử dụng trái phép Cờ truyền thống, Công an hiệu, cấp hiệu, phù hiệu, trang phục CAND để giả danh Công an nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản sẽ bị truy cứu, xử lý trách nhiệm hình sự theo Điều 174 về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Bộ luật Hình sự 2015 với mức hình phạt cao nhất có thể lên đến 20 năm tù hoặc tù chung thân.2. Nhận diện các đối tượng giả danh Công anĐể phát hiện hành vi giả danh Công an, người dân cần nhận biết các thủ đoạn giả danh Công an và vận dụng một số cách nhận biết sau:- Quan sát: Đây là cách đơn giản nhất để phát hiện các đối tượng giả danh Công an. Cụ thể: Các đối tượng giả danh Công an thường sử dụng trang phục không đồng bộ, công cụ hỗ trợ, bảng hiệu, giấy tờ của ngành Công an không đúng quy định khi tiến hành các hoạt động tuần tra, kiểm soát, liên hệ thực hiện các hoạt động tố tụng hình sự. Trong trường hợp này, chỉ cần quan sát thái độ, cách thể hiện, tư thế tác phong có thể phân biệt được họ là Công an thật hay giả. Đối tượng giả danh Công an luôn cố tình để lộ một phần trang phục, khoe công cụ hỗ trợ, cố tình để người khác thấy giấy tờ, thẻ ngành Công an. Nếu chưa có cơ sở xác định họ giả danh Công an, còn nghi ngờ, cần kết hợp với các cách thức khác để kiểm tra. Tuy nhiên, cần chú ý đề cao cảnh giác, chỉ nghe họ nói, không làm theo họ. - Gợi mở để đối tượng nói thật nhiều về lĩnh vực công tác Công an: Nếu nghi ngờ một người giả danh Công an cần phải khéo léo gợi mở để họ nói về lĩnh vực công tác của mình càng nhiều càng tốt vì càng nói nhiều đối tượng càng bộc lộ sơ hở. Có thể hỏi đối tượng những thông tin cơ bản như: Trước đây học trường nào, ở đâu? Điều kiện tuyển dụng vào ngành Công an thế nào? Đơn vị hiện tại ở đâu, lãnh đạo là ai? Chức vụ, nhiệm vụ cụ thể là gì?... Nếu nghi ngờ, có thể tạo lý do hợp lý để chụp ảnh đối tượng, ghi âm lời nói của đối tượng để làm bằng chứng đối chiếu hoặc tố giác với cơ quan Công an. Sau khi tiếp nhận thông tin từ đối tượng, tốt nhất không nên làm theo yêu cầu của đối tượng, khéo léo từ chối, đồng thời phân tích, đánh giá thông tin để xác định đối tượng có phải là người giả danh Công an hay không.- Phân tích, tổng hợp, đánh giá: Cần phân tích các thông tin cơ bản mà đối tượng đã nói, đã kể, rút ra những thông tin đúng, thông tin sai sẽ đánh giá được đối tượng nói thật hay nói dối, có phải giả danh Công an hay không. Nếu không đủ khả năng đánh giá, có thể tổng hợp thông tin nhờ người thân am hiểu về lĩnh vực Công an, những người đang công tác trong ngành Công an phân tích, đánh giá, không nên vội tin đối tượng, làm theo lời của đối tượng.- Đối chiếu, kiểm tra: Trong trường hợp đã đánh giá nhưng chưa đủ cơ sở xác định đối tượng là người giả danh Công an hay không, cần thực hiện bước đối chiếu, kiểm tra. Từ việc phân tích, tổng hợp thông tin do đối tượng cung cấp, kết quả quan sát, đánh giá, tư vấn của người trong ngành Công an… có thể dùng để đối chiếu, kiểm tra xác định đối tượng có hành vi giả danh Công an. Như vậy, để nhận biết đối tượng giả danh Công an, tránh bị các đối tượng này lừa đảo, người dân cần phải tìm hiểu những thủ đoạn phổ biến của loại đối tượng này, nâng cao cảnh giác, không vội tin đối tượng, vận dụng đồng bộ một số cách nhận biết, kiểm tra, đánh giá để xác định và có cách xử lý hiệu quả nhất.
Nguồn: Cổng TTĐT Bộ Công an
Hôm nay: 1724
Tổng lượng truy cập: 13242922