Khiếu nại, tố cáo là một trong những quyền cơ bản của công dân, được quy định trong Hiến pháp của nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, là công cụ pháp lý để công dân bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình khi bị xâm hại. Thông qua giải quyết khiếu nại, tố cáo giúp các cơ quan Nhà nước kiểm tra tính đúng đắn, sự phù hợp của đường lối, chính sách, pháp luật và hiệu quả quản lý Nhà nước.
Những năm qua, qua việc thực thi khiếu nại, tố cáo, nhiều vụ việc đã được làm rõ, nhiều cán bộ có sai phạm bị thi hành kỷ luật nghiêm minh, nhiều đại án được phanh phui cũng bắt đầu từ đơn thư tố cáo đúng sự thật, có trách nhiệm, điều này làm tăng thêm lòng tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước. Tuy nhiên, bên cạnh đó còn một bộ phận người dân thiếu hiểu biết pháp luật, khi thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo của mình đã bị các đối tượng phản động lợi dụng, kích động thực hiện các hành vi vượt quá thẩm quyền của mình, thậm chí vi phạm pháp luật.
(Ảnh minh hoạ)
Một số vụ việc khiếu kiện đã được các cấp giải quyết, được Tòa án có thẩm quyền xét xử theo trình tự pháp luật hoặc đang trong thời gian giải quyết theo trình tự luật định nhưng người khiếu kiện vẫn cho rằng “chưa thỏa đáng”, bị kích động tập trung đông người, kéo đến cơ quan Đảng, Nhà nước gây mất an ninh, trật tự. Nhiều vụ việc bị kích động đẩy từ khiếu nại lên khiếu kiện, từ vụ việc cá nhân trở thành vụ việc đông người. Lợi dụng danh nghĩa “đấu tranh đòi quyền lợi”; lợi dụng vấn đề “dân chủ”, “nhân quyền”, số đối tượng phản động, lưu vong gia tăng các hoạt động móc nối, chỉ đạo các đối tượng khiếu kiện cực đoan tiến hành các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước. Âm mưu của các thế lực thù địch, đối tượng phản động hiện nay là triệt để lợi dụng những bức xúc của người dân khiếu kiện để lôi kéo, kích động, kết hợp hỗ trợ tài chính, lôi kéo người dân khiếu kiện tham gia các tổ chức trá hình với danh nghĩa “dân oan” để tập hợp lực lượng có các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước, làm phức tạp tình hình an ninh, trật tự. Hệ lụy đẫn đến việc người dân từ thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo bị kích động thực hiện hành vi vi phạm pháp luật như: “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, tổ chức, cá nhân” (Điều 331 Bộ luật hình sự năm 2015) hoặc các hành vi vi phạm pháp luật khác.
Phương thức, thủ đoạn hoạt động phổ biến của các đối tượng thù địch, phản động là:
- Lợi dụng những thời điểm tình hình thế giới, khu vực, trong nước diễn biến phức tạp, những vấn đề nhạy cảm về chính trị, kinh tế, tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, những vi phạm liên quan đến đền bù giải phóng mặt bằng, ô nhiễm môi trường… để tập trung đông người đưa kiến nghị, tố cáo… từ đó kích động các hoạt động gây phức tạp tình hình an ninh, trật tự, hoạt động gây rối...
- Lợi dụng bức xúc của quần chúng nhân dân để kích động người dân phản đối cách thức giải quyết của các cấp, các ngành, đẩy mâu thuẫn lên cao, xúi giục người dân biểu tình gây mất an ninh, trật tự. Thông qua các cách thức tiếp cận người dân khiếu kiện, các đối tượng “hứa hẹn giúp đỡ”, “giúp gửi đơn thư đến các cơ quan Trung ương đòi quyền lợi”, viết bài đăng báo... bước tiếp theo là xúi giục tập trung đông người kéo đến trụ sở các cơ quan Đảng, chính quyền các cấp, mang theo băng rôn, khẩu hiệu… để gây sức ép; thực hiện các bài “phỏng vấn” lồng ghép các nội dung bôi nhọ chính quyền, xuyên tạc chủ trương, chính sách sau đó đưa lên các trang mạng xã hội nhằm vu cáo, xuyên tạc chống Đảng, Nhà nước.
Người dân có quyền khiếu nại, tố cáo, kiến nghị theo luật định thông qua đơn thư gửi các cơ quan chức năng có thẩm quyền thụ lý giải quyết. Nếu thấy chưa thỏa đáng thì có thể tiếp tục khiếu nại lên cấp trên hoặc khởi kiện ra Tòa án để bảo vệ quyền lợi của mình, có thể đến các Trung tâm hỗ trợ pháp lý, các Văn phòng luật sư, gặp cán bộ tư pháp... để được hướng dẫn cụ thể về nội dung và trình tự những điều mình có thể làm để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của bản thân, gia đình. Trên tinh thần đó, mỗi người dân hãy nêu cao tinh thần trách nhiệm, phân biệt rõ giới hạn của quyền khiếu nại, tố cáo với các hành vi vượt quá thẩm quyền khiếu nại, tố cáo của mình, thậm chí vi phạm pháp luật, đồng thời tích cực đấu tranh với những luận điệu sai trái của các thế lực thù địch. Cần cảnh giác trước âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng khiếu nại, tố cáo để kích động gây rối, xâm phạm an ninh, trật tự, vi phạm pháp luật. Hãy bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình trên tinh thần thượng tôn pháp luật.
Nguồn: Phòng An ninh nội địa
Hôm nay: 7342
Tổng lượng truy cập: 8436253