Quản lý giáo dục người chấp hành xong án phạt tù tại xã, thị trấn giữ một vị trí hết sức quan trọng, đóng một vai trò không thể thiếu trong tổ chức tái hòa nhập cộng đồng cho người chấp hành xong án phạt tù. Để làm tốt công tác này, cùng với các ban ngành đoàn thể và chính quyền địa phương, Đội Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp đã tham mưu cho Công an huyện Gia Lộc đưa ra nhiều giải pháp tổ chức các mô hình quản lý giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong hình phạt tù tại các địa phương trên địa bàn huyện, nhằm giúp họ vượt qua mặc cảm của bản thân, tự tin phấn đấu vươn lên trong cuộc sống, tích cực tham gia lao động, sản xuất đem lại cuộc sổng ổn định cho bản thân, gia đình và xã hội, giảm nguy cơ tái phạm tội, góp phần duy trì ổn định tình hình ANTT trên địa bàn.
Hiện nay, trên địa bàn huyện Gia Lộc có 157 trường hợp người chấp hành xong hình phạt tù trở về địa phương sinh sống, trong đó phần lớn người phạm tội đều ở mảng tệ nạn xã hội, tội phạm về ma túy. Riêng xã Nhật Tân là địa bàn có rất ít người phạm tội ( 05 trương hợp). Anh Ngô Văn Tới, sinh năm 1963 ở Cao Duệ, Nhật Tân bị tuyên án 05 năm 6 tháng tù về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, nhờ quá trình cải tạo tốt, ngày 01/09/2021, anh được đặc xá về địa phương; anh Vũ Đình Hướng, sinh năm 1977 ở Minh Tân, Quang Minh bị tuyên án 2 năm 6 tháng về tội hủy hoại tài sản, ngày 01/9/2022 anh được đặc xá về địa phương… Rào cản lớn nhất khi người chấp hành án xong án phạt tù về địa phương là mặc cảm, tự ti, ngại giao lưu với bà con trong khu dân cư và bên ngoài xã hội. Tuy nhiên, được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, làm tốt công tác tư tưởng, được người thân trong gia đình động viên, đặc biệt là sự giúp đỡ của lực lượng Công an xã, thị trấn đã tận tình hướng dẫn, thăm hỏi động viên, giúp họ tự tin phấn đấu vươn lên trong cuộc sống. Người chấp hành xong án phạt tù đã đến trụ sở Công an làm thủ tục đăng ký cư trú, hộ tịch, cấp CCCD, làm phiếu lý lịch tư pháp…
Kịp thời nắm bắt tâm tư nguyện vọng để tư vấn, hướng dẫn tìm kiếm việc làm cho các trường hợp chấp hành xong án phạt tù chở về địa phương
Quán triệt, thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước trong việc quan tâm, tạo điều kiện giúp người có quá khứ lầm lỗi tái hòa nhập cộng đồng, thời gian qua, tại các xã, thị trấn đã tích cực, chủ động thực hiện các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong hình phạt tù. Cơ quan thi hành án hình sự Công an huyện đưa ra các giải pháp tổ chức triển khai các mô hình quản lý giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong hình phạt tù như:
+ Mô hình quản lý giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong hình phạt tù, mô hình này được triển khai tại các xã, thị trấn, tổ chức… Đây là hình thức cả cộng đồng xã hội chung tay, sự tham gia tích cực của các đoàn thể, tổ chức chính trị, xã hội ở từng đia phương trong quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng, phòng ngừa tái phạm tội. Các mô hình này do cấp ủy, chính quyền cấp xã, thị trấn trực tiếp chỉ đạo, điều hành, phân công các thành viên của các tổ chức đoàn thể như: Hội Cựu chiến binh, Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên, Hội nông dân, Hội người cao tuổi… trực tiếp kèm cặp, quản lý, giáo dục, giúp đỡ tùng người chấp hành xong hình phạt tù. Tên gọi của các mô hình này có thể là: Mô hình 3+1, mô hình 4+1, mô hình 5+1…. như: Mô hình: Hội cựu chiến binh cảm hóa, giáo dục đối tượng chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng; Hội người cao tuổi giúp đỡ người lầm lỗi tái hòa nhập cộng đồng; Hội nông dân quan tâm giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng hay Đoàn thanh niên có mô hình đoàn thanh niên tình nguyện thắp sáng niềm tin…
+ Mô hình câu lạc bộ tái hòa nhập cộng đồng:
Mô hình này do Đ/c Bí thư - Trưởng thôn (trưởng khu dân cư) làm chủ nhiệm câu lạc bộ để tập hợp thu hút thành viên là người chấp hành xong hình phạt tù vào cùng hoạt động, sinh hoạt. Câu lạc bộ sẽ tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước, cùng nhau chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm tái hòa nhập cộng đồng, tìm kiếm việc làm, giải tỏa những khó khăn, vướng mắc trong cuộc sống của họ. Câu lạc bộ sẽ huy động nguồn kinh phí từ sự đóng góp của các doanh nghiệp, cộng đồng xã hội để có kinh phí hỗ trợ cho các thành viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn tạo việc làm, qua đó sẽ thu hút được người có quá khứ lầm lỗi tham gia sinh hoạt giúp cho việc quản lý, giáo dục giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù góp phần hạn chế và phòng ngừa tái phạm tội tại các xã, thị trấn.
Câu lạc bộ có thể có những tên gọi khác nhau như: Vì ngày mai tươi sáng, hoàn lương, hướng thiện, bạn giúp bạn…Thông qua phát động phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc để xây dựng các mô hình tự phòng, tự quản về an ninh trật tự, trong đó lồng ghép đưa nội dung quản lý, cảm hóa giáo dục, giúp đỡ người lầm lỗi trong thôn (khu dân cư). Thông qua tổ chức các buổi gặp mặt, đối thoại giữa chính quyền thôn (khu dân cư) với người chấp hành xong hình phạt tù để nắm được tâm tư, nguyện vọng của họ để từ đó có biện pháp hỗ trợ, tư vấn giúp họ tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong quá trình tái hòa nhập cộng đồng.
+ Ban hành các quy trình tiếp nhận, quản lý giúp đỡ người chấp hành xong hình phạt tù ngay từ khi họ trở về nơi cư trú như: Ra trình diện UBND xã, Công an xã, trưởng thôn ( khu dân cư) để được hướng dẫn các thủ tục cư trú, cấp CCCD …
Để giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù khi tái hoà nhập cộng đồng, trở thành công dân tốt, sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình và có ích cho xã hội, ngăn ngừa tinh trạng tái phạm tội ngoài việc quản lý, giám sát chặt chẽ các trường hơp trên, Công an huyện Gia Lộc đã chủ động phối hợp với Mặt trận Tổ quốc huyện, các tổ chức, đoàn thể huyện chỉ đạo các ban ngành, đoàn thể tại xã, thị trấn trực tiếp quản lý, giám sát giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù. Bên cạnh công tác tuyên truyền, vận động cá biệt đối với mỗi trường hợp, Công an huyện phối hợp Công an các xã, thi trấn tổ chức các buổi tuyên truyền giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù tái hoà nhập cộng đồng. Thành phần tham gia gồm tất cả các ban ngành, đoàn thể từ xã đến khu dân cư nhằm huy động sự chung tay, góp sức của cả hệ thống chính trị và cộng đồng xã hội.
Công tác tái hòa nhập cộng đồng và thi hành án hình sự tại cộng đồng được xác định là một nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng nhằm thực hiện tốt chủ trương, chính sách nhân văn, nhân đạo của Đảng và Nhà nước đối với người chấp hành xong án phạt tù và người chấp hành án tại cộng đồng, đồng thời cũng phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng phạm tội và tái phạm tội, góp phần đảm bảo ANTT, mang lại cuộc sống yên bình cho người dân. Vì vậy, những năm qua, cùng với các đơn vị địa phương, Công an huyện Gia Lộc đã chủ động tham mưu giúp Ủy ban nhân dân huyện tổ chức thực hiện các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng, chỉ đạo Cơ quan thi hành án hình sự, Công an các xã thị trấn chủ động nắm tình hình, điều kiện, hoàn cảnh, tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người chấp hành xong hình phạt tù để tư vấn, giáo dục, hướng nghiệp, giúp đỡ, tạo các điều kiện đăng ký cư trú, cấp căn cước công dân và tìm kiếm việc làm.
Nguồn: VT
Hôm nay: 4728
Tổng lượng truy cập: 5796778