Sáng 4/5, UBND tỉnh Hải Dương tổ chức Hội nghị trực tuyến đánh giá tình hình, kết quả thực hiện Đề án Ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia, giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh (sau đây gọi tắt là Đề án 06) và triển khai nhiệm vụ thời gian tới.
Đồng chí Triệu Thế Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Tổ trưởng Tổ công tác triển khai Đề án 06 tỉnh Hải Dương chủ trì hội nghị. Thượng tá Bùi Quang Bình, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh, Tổ phó Thường trực Tổ công tác triển khai Đề án 06 tỉnh dự và phát biểu tại hội nghị.
Toàn cảnh hội nghị.
Báo cáo trình bày tại hội nghị nêu rõ, từ đầu năm đến nay, trong tổng số 55 nhiệm vụ cụ thể thực hiện Đề án 06 của năm 2023, có 6 nhiệm vụ tỉnh chưa triển khai, trong đó, 3 nhiệm vụ thuộc trách nhiệm tham mưu, triển khai thực hiện của các sở, ngành, UBND cấp huyện; 3 nhiệm vụ phụ thuộc vào văn bản hướng dẫn các bộ, ngành Trung ương. Đến nay, tỉnh Hải Dương đã triển khai toàn bộ 25 dịch vụ công thiết yếu của Đề án 06. Từ ngày 1/1 đến ngày 20/4/2023, số lượng hồ sơ các dịch vụ công thiết yếu được tiếp nhận trực tuyến đạt tỷ lệ trung bình 70% (tăng 5% so với cuối năm 2022). Toàn tỉnh Hải Dương có trên 1,5 triệu công dân được thu nhận, cấp Căn cước công dân gắn chip, đạt tỷ lệ 98,5%; gần 73,6% số người dân được thu nhận, cấp tài khoản Định danh điện tử mức độ 1, mức độ 2. Công tác số hóa dữ liệu hộ tịch đạt 100% số hồ sơ được nhập vào file Excel trên phần mềm quản lý hộ tịch, hoàn thành trước thời hạn 20 ngày theo kế hoạch...
Phát biểu tại hội nghị, Thượng tá Bùi Quang Bình, Giám đốc Công an tỉnh, Tổ phó Thường trực Tổ công tác triển khai Đề án 06 tỉnh một lần nữa nhấn mạnh: Đề án 06 được xác định là “mũi đột phá” của chuyển đổi số quốc gia, góp phần thực hiện các mục tiêu về Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số với yêu cầu ngày càng cao hơn, nhiều vấn đề mới chưa có tiền lệ. Đặc biệt, năm 2023 được xác định là năm bản lề trong thực hiện các nhiệm vụ của Đề án 06, trong khi đó, thời gian đến nay đã hết thêm một tháng của Quý II, nếu không quyết liệt cả trong chỉ đạo và trong làm việc của cán bộ, công chức của cả hệ thống sẽ khó có thể hoàn thành được các mục tiêu của năm 2023 và những năm tiếp theo. Thời gian qua, toàn lực lượng Công an tỉnh đã làm tốt vai trò Thường trực Đề án 06 tại 03 cấp, coi đây là “mệnh lệnh công tác, là nhiệm vụ và cũng là danh dự của lực lượng Công an nhân dân”. Từ đó, nắm rõ lộ trình, tiến độ công việc, rà soát, nhận diện rõ những nguy cơ, “điểm nghẽn” làm chậm lộ trình Đề án theo từng tuần, từng tháng, kịp thời tham mưu với đồng chí Chủ tịch UBND cùng cấp họp với các sở, ngành để đôn đốc, chỉ đạo, giải quyết. Hiện tại, toàn lực lượng đang nỗ lực triển khai Cao điểm 30 ngày, đêm cấp CCCD gắn chíp cho người dân và cấp nhanh nhất, phủ nhanh nhất định danh điện tử đến toàn dân, phấn đấu hoàn thành việc thu nhận CCCD gắn chíp và định danh điện tử cho số công dân này xong trước 25/5/2023.
Đồng chí Thượng tá Bùi Quang Bình, Giám đốc Công an tỉnh, Tổ phó Thường trực Tổ công tác triển khai Đề án 06 tỉnh phát biểu tại hội nghị.
Để hoàn thành mục tiêu này, đồng chí cũng đề nghị các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện phải có sự chỉ đạo, vào cuộc thực chất, quyết liệt hơn, đặc biệt, phải phát huy vai trò gương mẫu, đi đầu của Tổ Đề án 06 cấp cơ sở trong công tác phối hợp rà soát những người chưa có thẻ CCCD gắn chíp, chưa có tài khoản định danh điện tử để tuyên truyền, hướng dẫn công dân trên địa bàn đi làm CCCD; định danh điện tử. Thành lập các tổ tuyên truyền viên huy động các thành viên là người có am hiểu công nghệ thông tin để đi đến từng nhà để hỗ trợ người dân tải, kích hoạt tài khoản định danh điện tử... nhằm thúc đẩy tiến độ triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Triệu Thế Hùng đánh giá cao, biểu dương tinh thần tích cực, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, nhất là một số cơ quan như Công an tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh, Sở Tư pháp... trong việc tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai nhiệm vụ của Đề án; chủ động triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao đúng và sớm hơn tiến độ đề ra. Đồng chí yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương cần thẳng thắn nhìn nhận, đánh giá rõ, khách quan những nhiệm vụ đã và chưa hoàn thành; nhận diện rõ các hạn chế, yếu kém làm cản trở việc triển khai, đề ra giải pháp khắc phục, hoàn thành tốt nhiệm vụ, mục tiêu của Đề án trong năm 2023. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về sự cấp thiết, lợi ích thiết thực của Đề án 06 để đổi mới tư duy, nhận thức của cấp ủy đảng, chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp, người dân. Tập trung lựa chọn những nhóm thủ tục hành chính gắn trực tiếp với người dân, doanh nghiệp để tập trung triển khai kịp thời, hiệu quả. Thay đổi tư duy từ “làm thay, làm hộ” sang hỗ trợ, hướng dẫn để nâng cao kỹ năng số cho người dân, doanh nghiệp. Thực hiện thực chất, bài bản, tránh tình trạng “trăm hoa đua nở”, tránh chồng chéo, đầu tư dàn trải, lãng phí. Tiếp tục hoàn thiện, làm giàu dữ liệu dân cư trong Cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành; tích hợp, kết nối dùng chung, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Người dân chỉ phải cung cấp thông tin, giấy tờ một lần cho các cơ quan nhà nước khi thực hiện các thủ tục hành chính...
Nguồn: Vũ Oanh
Hôm nay: 533
Tổng lượng truy cập: 7642064