Trẻ em luôn là đối tượng dễ bị tổn thương và gặp nguy hiểm nhất khi có sự cố hỏa hoạn xảy ra. Vì vậy, trong chương trình giáo dục cần có các tiết học hay các buổi ngoại khóa để hướng dẫn trẻ các kỹ năng phòng chống hỏa hoạn để bảo vệ bản thân an toàn. Đặc biệt, mùa hè, mùa nắng nóng là thời điểm mà các vụ hỏa hoạn có nguy cơ xảy ra cao hơn, đây cũng là thời điểm các em nhỏ nghỉ hè ở nhà và ít chịu sự giám sát của người lớn. Do đó, ba mẹ cần phải trang bị cho con các kỹ năng cần thiết liên quan tới vấn đề phòng chống cháy nổ.
Mục đích chính của việc trang bị kỹ năng phòng chống hỏa hoạn trong chương trình giáo dục giúp trẻ nhận biết những mối nguy hiểm tiềm tàng xung quanh, nhận biết các nguyên nhân gây ra hỏa hoạn và cách phòng tránh. Nhằm tăng cường phổ biến kiến thức và kỹ năng an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC) cho trẻ nhỏ trong giai đoạn nghỉ hè, Công an huyện Thanh Miện khuyến cáo đến các gia đình một số lưu ý, biện pháp đảm bảo an toàn PCCC cho trẻ nhỏ như sau:
- Hướng dẫn trẻ nhỏ biết về nguy cơ và nghiêm cấm trẻ tiếp cận tự ý sử dụng các thiết bị sinh ra nguồn lửa, nguồn nhiệt đề phòng cháy, nổ.
- Không để nhiều đồ dùng, hàng hoá dễ cháy ở nơi đun nấu. Không dự trữ xăng, dầu, khí đốt và các chất lỏng dễ cháy ở trong nhà ở. Ôtô, xe máy và các phương tiện dụng cụ có chứa xăng dầu, chất lỏng dễ cháy để trong nhà ở phải cách xa bếp đun nấu, thiết bị điện, nguồn sinh nhiệt.
- Hạn chế để ô tô xe máy ngay trong nhà (khu vực sinh hoạt chung của gia đình) nhằm hạn chế nguy cơ xe tự cháy. Thiết bị chứa, dẫn xăng, dầu, gas đun nấu phải được kiểm tra độ kín thường xuyên.
- Không giao cho trẻ nhỏ thực hiện việc đốt vàng mã. Hạn chế giao trẻ nhỏ thực hiện việc dùng bếp lửa để đun nấu đề phòng hỏa hoạn và bị bỏng.
- Bố trí nơi thờ cúng hợp lý. Đèn, hương, nến phải đặt chắc chắn trên các vật không cháy, cách xa vật dễ cháy, hạn chế tối đa để vàng mã, hương, nến để trên bàn thờ. Tuyệt đối không nên duy trì đèn điện thờ, không thắp đèn dầu hoặc để bật lửa trên ban thờ đề phòng trẻ hiếu kỳ nghịch lửa.
- Hướng dẫn cho trẻ lớn hơn biết cách sử dụng aptomat an toàn khi có sự cố điện giật người khác hoặc trẻ nhỏ hơn trong gia đình. Phải lắp thiết bị tự ngắt (aptomat) cho hệ thống điện chung toàn nhà, từng tầng, từng nhánh và từng thiết bị tiêu thụ điện công suất lớn.
- Hướng dẫn trẻ lớn hơn không được sờ vào người đang bị điện giật mà cần phải ngắt aptomat trước và kêu cứu để được trợ giúp.
- Không giao cho trẻ nhỏ sử dụng bàn là, bếp điện, lò sấy, các loại thiết bị sinh nhiệt khác, việc lơ là của trẻ có thể dẫn đến nguy cơ gây cháy lớn. Hạn chế tối đa cho trẻ nhỏ chơi các đồ chơi có sử dụng điện lưới, các thiết bị phải cắm điện lưới khi sử dụng, nên treo cao các ổ cắm, phích cắm điện đề phòng trẻ tự ý sử dụng dẫn đến nguy cơ bị điện giật.
- Bố mẹ hoặc người lớn trước khi đi làm phải chủ động kiểm tra và tắt bình đun nước nóng lạnh, bếp điện đun nấu khi không sử dụng.
- Chủ động tạo điều kiện cho trẻ nhỏ tham gia các lớp tập huấn rèn luyện kỹ năng sống, các lớp tập huấn, khóa đào tạo, hướng dẫn kỹ năng PCCC&CNCH do các đơn vị, cơ quan chức năng tổ chức.
- Mỗi gia đình, cơ quan, đơn vị và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn khi có những thắc mắc cần giải đáp, ý kiến tư vấn, hướng dẫn về các vấn đề liên quan đến công tác PCCC và CNCH có thể liên lạc với lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH trên địa bàn./.
Nguồn: Công an huyện Thanh Miện
Hôm nay: 4987
Tổng lượng truy cập: 8459445