Đến nay, sau 12 năm triển khai thi hành Luật Phòng, chống
mua bán người, đã đặt ra yêu cầu cần thiết phải
tiến hành sửa đổi, bổ sung Luật này. Mục đích, quan điểm chỉ đạo xây dựng Luật Phòng chống mua bán người (sửa đổi) cụ thể như sau:
1. Mục đích
Hoàn thiện pháp luật phòng, chống mua bán người, tạo nhận thức thống nhất và đầy đủ về công tác phòng, chống mua bán người trong thời gian tới; nâng cao trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức và của toàn xã hội trong công tác phòng, chống mua bán người; hoàn thiện cơ sở pháp lý trong thực hiện việc hỗ trợ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội hiện nay và trong thời gian tới, góp phần ổn định tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về phòng, chống mua bán người.
2. Quan điểm chỉ đạo xây dựng
Việc xây dựng Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) được thực hiện theo các quan điểm chỉ đạo cơ bản sau đây:
- Tiếp tục thể chế hóa quan điểm của Đảng về công tác phòng, chống mua bán người; cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ với các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.
- Bám sát các chính sách trong Hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) đã được cấp có thẩm quyền thông qua để quy phạm hóa vào dự thảo Luật, dựa trên nguyên tắc kế thừa các quy định còn phù hợp, khắc phục những tồn tại, bất cập, hạn chế, đáp ứng yêu cầu của công tác phòng, chống mua bán người hiện nay và trong những năm tiếp theo.
- Tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm pháp luật và thực tiễn công tác phòng, chống mua bán người của một số quốc gia trên thế giới phù hợp với điều kiện thực tiễn Việt Nam; bảo đảm phù hợp với pháp luật, thông lệ và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.