Đăng nhập

Cổng thông tin điện tử Công an tỉnh Hải Dương

23/4/2023

Thanh Miện: Ra mắt mô hình “Doanh nghiệp với công tác tái hòa nhập cộng đồng” cấp huyện

Vừa qua, ngày 07/11/2024, Công an huyện Thanh Miện đã tham mưu cho UBND huyện tổ chức hội nghị tổng kết 05 năm Luật Thi hành án hình sự; sơ kết công tác xây dựng nhân rộng mô hình tái hòa nhập cộng đồng và ra mắt mô hình “Doanh nghiệp với công tác tái hòa nhập cộng đồng” cấp huyện.


Các đại biểu dự hội nghị

Dự và chủ trì hội nghị có đồng chí Khổng Quốc Toản, Phó Chủ tịch UBND huyện, Phó Trưởng Ban chỉ đạo 138. Cùng dự còn có đại diện lãnh đạo các phòng, ban, ngành, đoàn thể của huyện; Chủ tịch UBND các xã, thị trấn; Lãnh đạo, chỉ huy các đội nghiệp vụ Công an huyện Thanh Miện; Lãnh đạo Công ty cổ phần May Việt Trí (xã Hồng Quang, huyện Thanh Miện). Về phía đại biểu Công an tỉnh, dự hội nghị có đại diện lãnh đạo, cán bộ chuyên đề của một số phòng nghiệp vụ chức năng.

Những năm qua, công tác quản lý, giám sát, giáo dục người chấp hành án hình sự tại cộng đồng đã từng bước đi vào nề nếp và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đặc biệt, việc bố trí Công an chính quy về đảm nhiệm các chức danh Công an xã đã đáp ứng yêu cầu về cán bộ trực tiếp làm công tác quản lý, giám sát, giáo dục người chấp hành án hình sự tại cộng đồng… góp phần hạn chế được tình trạng đối tượng trong diện quản lý, giám sát vi phạm pháp luật. Theo số liệu báo cáo của Công an huyện Thanh Miện, số người thi hành án hình sự tại cộng đồng từ năm 2020 trở lại đây, mỗi năm có khoảng từ 70 đến 120 trường hợp, tập trung chủ yếu là người được hưởng án treo, cải tạo không giam giữ và tha tù có điều kiện…

Đối với công tác tái hòa nhập cộng đồng, từ năm 2020 đến nay, mỗi năm có khoảng từ 90 đến gần 120 trường hợp chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương tái hòa nhập cộng đồng. Hiện trên địa bàn huyện Thanh Miện đã xây dựng và duy trì hoạt động 11 mô hình tái hòa nhập cộng đồng áp dụng tại các địa phương trong huyện (Trong đó có 09 Mô hình 4+ về quản lý giáo dục, giúp đỡ số người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương tái hòa nhập cộng đồng; 01 mô hình doanh nghiệp với công tác tái hòa nhập cộng đồng; 01 mô hình điển hình trong công tác tài hòa nhập cộng đồng). Từ khi đi vào hoạt động đến nay, các mô hình đã phát huy hiệu quả, thông qua mô hình đã giúp lực lượng Công an và chính quyền địa phương quản lý tốt các trường hợp chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương, đồng thời cũng giúp đỡ, tạo điều kiện cho những trường hợp này gặp thuận lợi trong việc tái hòa nhập cộng đồng, có cuộc sống ổn định, tránh được nguy cơ tái phạm tội.

Thực hiện theo Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg ngày 17/8/2023 của Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù. Thời gian qua, Công an huyện Thanh Miện đã cùng với các ban, ngành, đoàn thể của địa phương rà soát, lập danh sách, thẩm định và đề xuất Ngân hàng chính sách xã hội huyện Thanh Miện tạo điều kiện cho 13 trường hợp trong diện được vay vốn với số tổng số tiền 1,3 tỷ đồng để các trường hợp này đầu tư vào sản xuất, kinh doanh ổn định cuộc sống.


Ông Đào Đình Dư, Giám đốc Công ty cổ phần May Việt Trí (xã Hồng Quang, huyện Thanh Miện) được trao khen tại hội nghị


Lễ ký kết ra mắt mô hình “Doanh nghiệp với công tác tái hòa nhập cộng đồng"  cấp huyện

Sau một năm triển khai áp dụng mô hình tại cấp xã đã giúp nhiều trường hợp chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương tái hòa nhập cộng đồng, có công việc, thu nhập ổn định (năm 2023, Công ty may Việt Trí đã tiếp nhận 6 người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương, trong đó có 4 người tại địa bàn huyện Thanh Miện; 2 người ở Thái Bình. Hiện tại, thu nhập bình quân của một số người được 8,5 triệu đồng/ 01 tháng, có người tay nghề cao thu nhập 30 triệu đồng/01tháng). Xét thấy hiệu quả cần phát huy, nhân rộng, Công an huyện Thanh Miện đã đề xuất UBND huyện xây dựng mô hình “Doanh nghiệp với công tác tái hòa nhập cộng đồng" thành mô hình cấp huyện đối với Công ty cổ phần May Việt Trí (xã Hồng Quang, huyện Thanh Miện) để áp dụng đối với các Công ty, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn toàn huyện trong công tác tái hòa nhập cộng đồng.

Được biết, hiện trên địa bàn huyện Thanh Miện còn khoảng gần 300 người trong diện tái hòa nhập cộng đồng cần sự chung tay giúp sức của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất kinh doanh.