

Các đại biểu tham dự hội nghị
Trong 5 tháng đầu năm 2025 (từ 15/12/2024
đến 14/5/2025), tình hình TTATGT trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực.
Toàn tỉnh xảy ra 230 vụ tai nạn giao thông. So với cùng kỳ năm 2024, tai nạn
giao thông giảm sâu cả 3 tiêu chí. Đặc biệt, tai nạn liên quan đến học sinh và
vi phạm nồng độ cồn đều giảm mạnh.
Cùng với sự chủ động trong nắm tình hình,
lực lượng Cảnh sát giao thông toàn tỉnh đã tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý
nghiêm các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn như: nồng độ cồn,
tốc độ, không đội mũ bảo hiểm, phần đường – làn đường... Qua đó, đã xử lý 19.751
trường hợp vi phạm, phạt tiền hơn 62 tỷ đồng, tước 2.296 giấy phép lái xe, tạm
giữ 4.492 phương tiện. Công tác xử lý vi phạm có trọng tâm, trọng điểm, bám sát
chuyên đề, địa bàn, khung giờ phức tạp, góp phần trực tiếp vào việc kéo giảm
tai nạn giao thông.


Một số ý kiến tham luận tại hội nghị
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền pháp luật
về TTATGT được đổi mới hình thức, nội dung, gắn với từng nhóm đối tượng cụ thể.
Trong 5 tháng, đã tổ chức 126 buổi tuyên truyền trực tiếp hơn 60.000 lượt người,
chủ yếu là học sinh, công nhân, người dân tại các khu công nghiệp. Nhiều chương
trình ý nghĩa như “Nhân ái giao thông” tiếp tục lan tỏa, truyền thông sâu sắc về
ý thức chấp hành luật giao thông trong cộng đồng.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Đại tá Nguyễn
Đức Thìn, Phó Giám đốc Công an tỉnh đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng, tinh thần
khắc phục khó khăn của lực lượng Cảnh sát giao thông, Công an cấp xã trong thời
gian qua. Đồng chí biểu dương một số kết quả nổi bật như: triển khai hiệu quả kế
hoạch xây dựng tuyến QL5 là tuyến đường an toàn về giao thông; hoàn thành đúng
tiến độ công tác cập nhật mã định danh phương tiện; triển khai sát hạch, cấp, đổi
giấy phép lái xe đúng quy định…

Đại tá Nguyễn Đức Thìn – Phó Giám đốc Công
an tỉnh Hải Dương phát biểu tai hội nghị
Tuy nhiên, đồng chí cũng thẳng thắn chỉ
rõ: công tác tham mưu, chỉ đạo, điều hành trong lĩnh vực TTATGT ở một số đơn vị
chưa có tính đột phá, còn lối mòn trong tư duy và phương pháp thực hiện; việc phân
tích, đánh giá nguyên nhân tai nạn giao thông để định hướng giải pháp còn hạn
chế. Công tác phối hợp giữa CSGT và Công an cấp xã trong tuần tra, kiểm soát, xử
lý vi phạm còn thiếu hiệu quả, chưa rõ vai trò, trách nhiệm từng cấp.
Đại tá Nguyễn Đức
Thìn yêu cầu trong thời gian tới, lực lượng Cảnh sát giao thông cần: Đổi mới mạnh
mẽ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, nắm chắc tình hình, chủ động nhận diện các nguy
cơ tiềm ẩn để tham mưu, tổ chức xử lý hiệu quả; Tăng cường tuần tra kiểm soát
linh hoạt, bố trí lực lượng đúng tuyến, đúng thời điểm, kiên quyết xử lý các hành
vi vi phạm trọng điểm; Phát huy hiệu quả hệ thống camera giám sát, thiết bị ghi
hình trong phát hiện, “phạt nguội” vi phạm; Đẩy mạnh tuyên truyền, đa dạng hóa
hình thức, chú trọng tuyên truyền sâu tại cơ sở, nhất là tại các trường học,
khu công nghiệp, khu dân cư đông người; Tiếp tục kiến nghị, khắc phục các điểm
đen, bất cập trong tổ chức giao thông, nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các lực
lượng, trong đó lấy Công an cấp xã làm nòng cốt tại địa bàn cơ sở.
Cùng với đó, đồng
chí Phó Giám đốc Công an tỉnh giao nhiệm vụ cụ thể cho Phòng CSGT và các đơn vị
liên quan trong việc hoàn thiện phân cấp công tác tuần tra, xử lý vi phạm, đăng
ký xe, giải quyết tai nạn giao thông theo chức năng mới; đồng thời triển khai
kiểm tra, giám sát công tác bảo đảm TTATGT trên các tuyến giao thông trọng điểm,
đảm bảo tính hiệu lực – hiệu quả rõ nét trong toàn lực lượng.
Tại hội nghị, toàn
lực lượng xác định mục tiêu trọng tâm từ nay đến cuối năm là: phấn đấu giảm ít
nhất 8% số vụ, số người chết và bị thương do tai nạn giao thông, xây dựng hình ảnh
người tham gia giao thông văn minh, kỷ cương; góp phần bảo đảm an ninh trật tự,
phục vụ hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hải Dương trong giai
đoạn mới.