Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội, Ba Đình, Hà Nội, kết nối trực tuyến đến 37.000 điểm cầu tại các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương; các ban, bộ, ngành, đơn vị sự nghiệp Trung ương và các điểm cầu trong toàn quốc, với hơn 1,5 triệu đại biểu tham dự. Tổng Bí thư Tô Lâm dự và chỉ đạo Hội nghị tại điểm cầu Trung ương ở Hội trường Diên Hồng.
Tham dự Hội nghị tại điểm cầu Công an tỉnh Hải Dương có các đồng chí trong Ban Thường vụ Đảng ủy, Ban Giám đốc Công an tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Công an tỉnh; Bí thư các chi, đảng bộ cơ sở; Bí thư chi bộ trực thuộc Đảng bộ cơ sở trong Đảng bộ Công an tỉnh; Ủy viên chuyên trách thuộc Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Công an tỉnh; đại diện Ban Thanh niên, Ban Phụ nữ.

Hội nghị tại điểm cầu Công an tỉnh Hải Dương.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe đồng chí Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính truyền đạt Chuyên đề “Nội dung trọng tâm, cốt lõi của Nghị quyết số 68-NQ/TW, ngày 04/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân và kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 68-NQ/TW"; đồng chí Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn truyền đạt Chuyên đề “Nội dung trọng tâm, cốt lõi của Nghị quyết số 66-NQ/TW, ngày 30/4/2025 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới và kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW".
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định: Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo sáng suốt, đúng đắn của Đảng, sự đồng lòng của toàn dân tộc và nỗ lực bền bỉ của cả hệ thống chính trị, đất nước ta đã đạt được những thành tựu toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm; chúng ta đã vượt qua các cú sốc toàn cầu, kiểm soát thành công đại dịch COVID-19, phục hồi nhanh nền kinh tế và giữ vững ổn định xã hội trong bối cảnh thế giới đầy biến động; chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ được bảo đảm; môi trường hòa bình được giữ vững; uy tín và vị thế quốc tế của Việt Nam không ngừng được nâng cao; đất nước tham gia sâu rộng vào các tiến trình hợp tác khu vực và toàn cầu, đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện, hệ thống an sinh xã hội ngày càng hoàn thiện…
Những đổi mới, cải cách mà chúng ta đang triển khai không chỉ là yêu cầu khách quan của phát triển mà còn là mệnh lệnh từ tương lai dân tộc, trong đó tập trung vào bốn đột phá với 4 Nghị quyết quan trọng: Nghị quyết 57 xác định khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là trụ cột tăng trưởng mới. Nghị quyết 59 mở rộng không gian phát triển thông qua hội nhập quốc tế chủ động, tích cực. Nghị quyết 66 yêu cầu hoàn thiện thể chế pháp luật minh bạch, hiện đại, bảo đảm quyền con người và quyền công dân. Nghị quyết 68 thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân trở thành động lực trung tâm cho nền kinh tế... Đây có thể gọi là “Bộ tứ trụ cột" để giúp đát nước cất cánh; tạo nên một chỉnh thể thống nhất về tư duy và hành động chiến lược cho sự phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới; xây dựng nền tảng vững chắc để Việt Nam phát triển nhanh, bền vững và trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao vào năm 2045. Mặc dù mỗi nghị quyết tập trung vào một lĩnh vực trọng yếu, chúng liên kết chặt chẽ, bổ sung và thúc đẩy lẫn nhau trong quá trình quán triệt và tổ chức thực hiện.
Vì vậy, đồng chí kêu gọi toàn hệ thống chính trị, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân hãy chung tay, đồng lòng, vượt qua mọi khó khăn, biến khát vọng thành hành động, biến tiềm năng thành sức mạnh thực tế, để cùng nhau đưa đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên phát triển, thịnh vượng, hùng cường của dân tộc Việt Nam".