Trong điều kiện đất nước ta đang đẩy mạnh công nghiệp
hóa, hiện đại hóa và chủ động hội nhập quốc tế, yêu cầu đặt ra là phải hiện đại
hóa công tác quản lý cư trú theo hướng ứng dụng thành tựu khoa học, kỹ thuật,
công nghệ tiên tiến, phù hợp với xu hướng của các nước trên thế giới,
hiện nay, các bộ, ngành, địa phương đang đồng thời tiến chuyển đổi số, cải cách
thủ tục hành chính, xây dựng hệ thống Cơ sở dữ liệu. Để triển khai đồng bộ,
hiệu quả nội dung trên, Bộ Công an đã tham mưu, đề
xuất Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật Cư trú số 68/2020/QH14 ngày
13/11/2020, tại kỳ họp thứ 10 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2021, Nghị
định 62/2021/NĐ-CP ngày 25/6/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều
và biện pháp thi hành Luật Cư trú. Đồng thời, triển khai xây dựng và đi đưa vào vận hành
hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đây có thể coi là nền tảng để xây
dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, xã hội số, công dân số trong đó
lấy người dân làm trung tâm, rút ngắn khoảng cách giữa người dân với các cơ
quan Nhà nước thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin nhằm nâng cao chất
lượng phục vụ người dân. Qua 03 năm triển khai thực hiện đã góp phần mang lại kết quả đáng khích lệ
trong thực hiện Luật Cư trú, đặc biệt trong giai đoạn chuyển đổi số hiện nay.
Tuy nhiên, qua thực tiễn thấy rằng, một số quy định của Nghị định
62/2021/NĐ-CP vẫn còn bất
cập, hạn chế cần được sửa đổi, bổ sung để đáp ứng tình hình thực tiễn, nâng cao
hiệu quả, giá trị góp phần quản lý và phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ an
ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, cụ thể:
Một là, Đề án số
06/QĐ-TTg của Chính phủ về “Phát triển ứng
dụng dữ liệu dân cư, định danh và” xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc
gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến 2030” đã xác định 1
trong 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm là “ứng dụng dữ liệu dân cư phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến”. Theo đó, các
quy định của pháp luật liên quan đến việc thực hiện thủ tục hành chính trong
lĩnh vực đăng ký, quản lý cư trú cần được sửa đổi, bổ sung theo hướng cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành
chính nhằm phục vụ chuyển đổi số quốc gia, đặc biệt là việc đẩy mạnh cung cấp
dịch vụ công trực tuyến.
Hai là, Quốc hội khóa
XV đã ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật có nội dung liên quan trực
tiếp tới quy định của pháp luật về cư trú như Luật Giao dịch điện tử, Luật Căn
cước, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đất đai. Đây là những văn
bản quy phạm pháp luật có nhiều nội dung tác động trực tiếp đến một số quy định
tại Nghị định số 62/2021/NĐ-CP, nhất
là các quy định liên quan
đến giấy tờ, tài liệu, thông tin chứng minh chỗ ở hợp pháp để đăng ký cư trú,
thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu về cư trú và việc tiếp nhận, giải quyết
đăng ký cư trú trên môi trường điện tử.
Ba là, qua thực tiễn triển khai thi hành, một số quy định của Nghị định đã phát
sinh bất cập, hạn chế cần được sửa đổi, bổ sung theo hướng tạo điều kiện thuận
lợi nhất cho công dân trong đăng ký cư trú, phục vụ hiệu quả yêu cầu quản lý, đảm
an ninh trật tự trong tình hình mới như: đăng ký cư trú đối với đối tượng đặc
thù (người chưa thành niên, người lao động tại công trường, công trình xây dựng,
khu công nghiệp...), chỗ ở đặc thù (nhà xây trên đất
nông nghiệp hoặc nhà ở thuộc diện quy hoạch, giải tỏa; nhà xây dựng chưa
được cấp phép...;
Xuất phát từ
những lý do nêu ngày 26/11/2024, Chính phủ
đã ban hành Nghị định số 154/2024/NĐ-CP quy định
chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cư trú thay thế Nghị định số
62/2021/NĐ-CP để đảm bảo phù hợp với
đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, bảo đảm tính
hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật, đáp ứng
yêu cầu thực tiễn đặt ra hiện nay cũng như những năm tiếp theo. Nghị định số
154/2024/NĐ-CP có nhiều quy định mới, cụ thể như sau:
Thứ nhất, Nghị định số 154/2024/NĐ-CP đã có sự điều chỉnh
về tên gọi so với Nghị định số 62/2021/NĐ-CP từ “Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Cư trú” thành “Nghị định quy định chi tiết một số điều và
biện pháp thi hành Luật Cư trú” theo đó phạm vi điều chỉnh cũng có sự thay
đổi theo hướng ngoài các nội dung được Luật Cư trú giao Chính phủ quy định chi
tiết, Nghị định cũng hướng dẫn cụ thể việc đăng ký cư trú cho người chưa thành
niên và một số nội dung đăng ký, quản lý cư trú để thống nhất trong triển khai
thực hiện trên toàn quốc.
Thứ hai, Nghị định số 154/2024/NĐ-CP cũng sửa đổi, bổ
sung quy định về nơi cư trú của người sinh sống, người làm nghề lưu động trên
tàu, thuyền hoặc phương tiện khác có khả năng di chuyển, cụ thể: Theo quy định
của Luật Cư trú thì trường hợp công dân sinh sống, làm nghề lưu động trên tàu, thuyền hoặc phương tiện khác có khả năng di chuyển
trong trường hợp không đăng ký tại nơi đăng ký phương tiện hoặc phương tiện
không phải đăng ký thì phải có xác nhận nơi thường xuyên đậu đỗ. Nhằm đơn giản
hóa, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi
cho người dân giúp người dân không phải đi lại nhiều lần, Nghị định số
154/2024/NĐ-CP đã sửa đổi, bổ sung quy định về việc công dân không phải thực
hiện thủ tục đề nghị Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận nơi thường xuyên đậu, đỗ;
theo đó, công dân có thể thực hiện thủ tục này khi thực hiện thủ tục tục đăng
ký thường trú, đăng ký tạm trú tại cơ quan đăng ký cư trú (nộp hồ sơ đăng ký cư
trú kèm theo Tờ khai đề nghị xác nhận nơi thường xuyên đậu, đỗ; sử dụng phương
tiện vào mục đích). Cơ quan quan đăng ký cư trú có trách nhiệm chuyển Tờ khai
đến Ủy ban nhân dân cấp xã. Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận
được Tờ khai, Ủy ban nhân dân cấp xã xem xét, xác nhận, trường hợp từ chối giải
quyết thì phải trả lời bằng văn bản, nêu rõ lý do và chuyển các văn bản này cho
cơ quan đăng ký cư trú để xem xét, giải quyết đăng ký cư trú cho công dân. Đồng
thời, để thống nhất khi triển khai thực hiện, Nghị định số 154/2024/NĐ-CP cũng
đã quy định kèm theo biểu mẫu Tờ khai đề nghị xác nhận nơi thường xuyên đậu,
đỗ; sử dụng phương tiện vào mục đích để ở và quy định cụ thể 03 hình thức tiếp
nhận hồ sơ (trực tiếp, trực tuyến hoặc dịch vụ bưu chính công ích) để người dân
có thể lựa chọn hình thức phù hợp nhất với mình để thực hiện.
Thứ ba, điều chỉnh, bổ sung nhiều nội dung mới quy định về giấy tờ, tờ liệu chứng
minh chỗ ở hợp pháp, giấy tờ chứng minh mối quan hệ nhân thân khi thực hiện thủ
tục đăng ký cư trú. Theo đó, khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký cư trú, cơ quan
đăng ký cư trú có trách nhiệm khai thác thông
tin về chỗ ở hợp pháp, giấy tờ chứng minh mối quan hệ nhân thân trong các Cơ sở
dữ liệu, hệ thống thông tin… để giải quyết đăng ký cư trú mà không yêu cầu công
dân xuất trình các loại giấy tờ này, cụ thể: cơ quan đăng ký cư trú có trách
nhiệm căn cứ vào thông tin chứng minh về chỗ ở hợp pháp, giấy tờ chứng minh mối
quan hệ nhân thân do công dân cung cấp để khai
thác trong căn cước điện tử, tài
khoản định danh điện tử trên hệ thống định danh và xác thực điện tử qua Ứng
dụng định danh quốc gia hoặc trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ
liệu về cư trú, Kho quản lý dữ liệu điện tử tổ chức, cá nhân trên Cổng dịch vụ
công quốc gia, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp
tỉnh hoặc cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác. Trường hợp công dân đã cung cấp thông tin nhưng cơ
quan đăng ký cư trú không khai thác được thông tin thì cơ quan đăng ký cư trú
có trách nhiệm kiểm tra, xác minh để giải quyết thủ tục về cư trú; công
dân có trách nhiệm cung cấp bản sao, bản chụp, bản điện tử một trong các giấy
tờ, tài liệu chứng minh về chỗ ở hợp pháp khi cơ quan đăng ký cư trú có yêu cầu.
Bên cạnh đó, Nghị định số 154/2024/NĐ-CP đã quy định
cụ thể hơn về các loại giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp đăng ký
thường trú và giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp để đăng ký tạm trú:
(1) sửa đổi, bổ sung các loại giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp để
đăng ký thường trú để phù hợp, thống nhất với các quy định mới liên quan đến
giấy tờ, tài liệu chứng minh quyền sở hữu, sử dụng nhà ở, đất ở được quy định
tại Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đất đai và Luật Nhà ở năm 2023; (2) xây
dựng biểu mẫu “Xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã về điều kiện diện tích bình
quân bảo đảm theo quy định của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc
trung ương” ban hành kèm theo Nghị định để thống nhất sử dụng chung trong phạm
vi toàn quốc; (3) bổ sung quy định về việc công dân có thể có văn bản cam kết về việc có
chỗ ở thuộc quyền sử dụng của mình, không có tranh chấp về quyền sử dụng và
đang sinh sống ổn định, lâu dài tại chỗ ở đó nếu không có một trong các giấy
tờ, tài liệu khi đăng ký tạm trú để tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho công
dân, phục vụ hiệu quả công tác quản lý cư trú.
Thứ năm, bổ sung nội dung quy định, hướng dẫn chi tiết việc
đăng ký thường trú cho người chưa thành niên để tạo điều kiện tối đa, bảo đảm
quyền, lợi ích hợp pháp cho đối tượng này khi đăng ký thường trú, cụ thể:
(1) Để phù hợp với quy định
tại Điều 12 Luật Cư trú về nơi cư trú của người chưa thành niên, Nghị định quy
định làm rõ về trường hợp người chưa
thành niên đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú tại nơi thường trú, nơi tạm trú
của cha, mẹ hoặc cha hoặc mẹ thì cha hoặc mẹ hoặc
người giám hộ thực hiện kê khai, xác nhận ý kiến vào
Tờ khai thay đổi thông tin cư trú. Trường hợp người chưa thành niên đăng
ký thường trú, đăng ký tạm trú tại nơi thường trú, nơi tạm trú không phải là
nơi thường trú, nơi tạm trú của cha, mẹ hoặc người giám hộ thì cha hoặc mẹ hoặc
người giám hộ thực hiện kê khai, xác nhận ý kiến vào Tờ khai thay đổi thông tin
cư trú. Trường hợp người chưa thành niên được Tòa án quyết định giao cho cha
hoặc mẹ chăm sóc, nuôi dưỡng thì người được giao chăm sóc, nuôi dưỡng kê khai,
xác nhận ý kiến vào Tờ khai thay đổi thông tin cư trú.
(2) Nghị định cũng quy định
trong thời hạn tối đa 60 ngày kể từ khi người chưa thành niên được đăng ký khai
sinh thì cha hoặc mẹ hoặc chủ hộ hoặc người giám hộ có trách nhiệm thực hiện
đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú, khai báo thông tin về cư trú cho người
chưa thành niên. Đặc biệt, người chưa thành niên, nhất là người chưa thành niên
mới sinh chưa được đăng ký cư trú là đối tượng đặc biệt được pháp luật bảo vệ
(Luật Trẻ em), để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho đối tượng này về cư trú
và các pháp luật khác có liên quan, vì vậy, Nghị định cũng quy định làm rõ một
số nội dung của Luật Cư trú để đăng ký cư trú cho người chưa thành niên đảm bảo
quyền của trẻ em về cư trú.
Thứ sáu, bổ
sung các quy định liên quan đến việc lấy ý kiến của chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp
khi đăng ký cư trú, quy định cụ thể việc đăng ký cư trú đối với trường hợp “hộ
gia đình chuyển đến nơi cư trú mới” theo hướng cải cách thủ tục hành chính, thuận
lợi, thống nhất trong triển khai thực hiện, cụ thể: (1) làm rõ quy
định về đăng ký thường trú vào chỗ ở hợp pháptrường hợp công dân đăng ký thường
trú vào chỗ ở hợp pháp thuộc quyền sở hữu của mình mà chỗ ở hợp pháp đó có
nhiều hơn một chủ sở hữu thì không cần có ý kiến đồng ý của những người đồng sở
hữu còn lại; (2) quy định chi tiết về lấy ý kiến của chủ sở hữu khi
đăng ký thường trú vào chỗ ở hợp pháp không thuộc sở hữu của mình; lấy ý kiến
của chủ sở hữu khi chủ sở hữu là người bị mất năng lực hành vi dân sự, người có
khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo quy định của Bộ luật Dân sự,
người dưới 18 tuổi, người bị tuyên bố mất tích, người đã chết; (3) quy
định các phương thức lấy ý kiến đồng ý của chủ hộ, chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp, người đại diện hợp pháp, người thừa kế theo quy định pháp
luật, cha, mẹ, người giám hộ khác nhau để người dân có nhiều lựa chọn và
lựa chọn phương thức phù hợp nhất với mình; (4) quy định cụ thể
về hồ sơ đăng ký cư trú với các trường hợp khác nhau khi đăng ký thường trú đến
chỗ ở hợp pháp mới; các trường hợp bị hủy đăng ký cư trú; việc trách nhiệm quản
lý công dân bị xóa đăng ký thường trú, nơi tạm trú mà chưa xác định được nơi ở
hiện tại.
Thứ bảy, bổ sung quy định, hướng dẫn cụ
thể về hồ sơ, thủ tục cấp giấy Xác nhận về điều kiện diện tích bình quân nhà ở
để đăng ký thường trú vào chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ; nhà ở, đất ở không có
tranh chấp quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở, không thuộc địa điểm không
được đăng ký thường trú mới để thống nhất thực hiện trong phạm vi toàn quốc. Theo
đó, công dân có thể nộp hồ sơ này đến ủy ban nhân dân cấp xã nơi công dân đề
nghị đăng ký thường trú hoặc đến cơ quan đăng ký cư trú cùng hồ sơ đề nghị đăng
ký thường trú.
Thứ tám, điều chỉnh, sửa đổi, bổ
sung quy định về thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú; quy định về thu thập,
cập nhật, điều chỉnh, quản lý, kết nối, chia sẻ, khai thác thông tin trong Cơ
sở dữ liệu về cư trú để phù hợp với quy định của Luật Căn cước 2023, Luật Giao
dịch điện tử 2023 và các pháp luật khác có liên quan cho phù hợp và thống nhất.
Thứ chín, bổ sung nội dung quy
định cụ thể trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã trong việc đăng ký cư trú.
Quy định này để gắn trách nhiệm, xây dựng hành lang pháp lý làm căn cứ để Ủy
ban nhân dân cấp xã thực hiện thực hiện một số nội dung quy định liên quan đến
đăng ký cư trú. Theo đó Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tiếp nhận, giải quyết yêu cầu xác nhận nơi thường xuyên
đậu, đỗ; sử dụng phương tiện vào mục đích để ở hoặc văn bản chấp thuận cho
phương tiện đậu, đỗ; Xác nhận thông tin quan hệ nhân thân, đối tượng
thuộc điểm b, điểm c khoản 2 Điều 20 Luật Cư trú, thông tin về chỗ ở hợp pháp,
không có tranh chấp, bảo đảm diện tích bình quân để đăng ký thường trú cho công
dân trên cơ sở đề xuất của công chức tư pháp - hộ tịch, địa chính, Công an cấp
xã; Cập nhật thông
tin về hộ tịch, cấp giấy tờ liên quan đến nhân thân cho công dân theo thẩm
quyền bảo đảm chính xác, kịp thời, phù hợp, thống nhất với thông tin của công dân trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư,
Cơ sở dữ liệu về cư trú.