Đăng nhập

Cổng thông tin điện tử Công an tỉnh Hải Dương

23/4/2023

Triển khai cao điểm tấn công, truy quét, ngăn chặn, đẩy lùi buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, lưu thông hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ xuất xứ, vi phạm bản quyền, vi phạm sở hữu trí tuệ, xuất xứ hàng hóa

Chiều ngày 15/5, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị họp bàn triển khai Kế hoạch mở đợt cao điểm tấn công, truy quét, ngăn chặn, đẩy lùi buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, lưu thông hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ xuất xứ, vi phạm bản quyền, vi phạm sở hữu trí tuệ, xuất xứ hàng hóa trên địa bàn tỉnh. Đồng chí Lê Ngọc Châu - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì Hội nghị.

Chiều ngày 15/5, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị họp bàn triển khai Kế hoạch mở đợt cao điểm tấn công, truy quét, ngăn chặn, đẩy lùi buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, lưu thông hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ xuất xứ, vi phạm bản quyền, vi phạm sở hữu trí tuệ, xuất xứ hàng hóa trên địa bàn tỉnh. Đồng chí Lê Ngọc Châu - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì Hội nghị.


Toàn cảnh hội nghị.


Tham dự Hội nghị có các đồng chí: Lưu Văn Bản, Nguyễn Minh Hùng, Trần Văn Quân - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Đại tá Bùi Quang Bình - Giám đốc Công an tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành có liên quan; thành viên Ban Chỉ đạo 389 các cấp cùng đại diện lãnh đạo UBND 12 huyện, thị xã, thành phố.

Trước đó, vào sáng ngày 14/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì làm việc với các bộ, ngành, cơ quan Trung ương để đánh giá về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ, xuất xứ hàng hóa những tháng đầu năm 2025 và phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới. Tại Hội nghị, Thủ tướng yêu cầu trước hết mở đợt cao điểm tấn công, truy quét, ngăn chặn, đẩy lùi buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, lưu thông hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ xuất xứ, vi phạm bản quyền, vi phạm sở hữu trí tuệ, xuất xứ hàng hóa trên địa bàn toàn quốc. Các địa phương thành lập Tổ công tác do Chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng, có sự tham gia của đại diện các ngành để triển khai đợt cao điểm trong thời gian từ ngày 15/5 - 15/6, sau đó sẽ tiến hành sơ kết...

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngay trong chiều ngày 15/5/2025 UBND tỉnh đã chỉ đạo Công an tỉnh chủ trì xây dựng dự thảo Kế hoạch mở đợt cao điểm tấn công, trong đó xác định rõ mục tiêu, yêu cầu; quy định chức năng, nhiệm vụ của Tổ công tác và các sở, ban ngành có liên quan; phương pháp, nội dung thực hiện nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, huy động cả hệ thống chính trị, cấp ủy, chính quyền các cấp; tạo chuyển biến đột phá trong phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, lưu thông hàng giả, hàng không rõ xuất xứ, vi phạm bản quyền, vi phạm sở hữu trí tuệ, xuất xứ hàng hóa trên địa bàn toàn tỉnh; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an ninh, an toàn, an dân.

Tại Hội nghị, sau khi nghe Đại tá Phạm Chí Hiếu - Phó Giám đốc Công an tỉnh trình bày dự thảo Kế hoạch, các đại biểu đã tích cực tham gia đóng góp ý kiến nhằm hoàn thiện nội dung Kế hoạch; đồng thời đề xuất thêm nhiều giải pháp thiết thực, góp phần nâng cao hiệu quả trong quá trình triển khai thực hiện.


Đại tá Phạm Chí Hiếu, Phó Giám đốc Công an tỉnh trình bày dự thảo Kế hoạch.


Phát biểu tại Hội nghị, Đại tá Bùi Quang Bình, Giám đốc Công an tỉnh, nhấn mạnh: 5 tháng đầu năm 2025, lực lượng Công an tỉnh đã phát hiện, bắt giữ và xử lý 128 vụ việc liên quan đến buôn lậu, gian lận thương mại và sản xuất, buôn bán hàng giả với 145 đối tượng bị xử lý. Trong đó, đã khởi tố hình sự 36 vụ, 45 bị can. Tuy nhiên, đồng chí cũng khẳng định, công tác đấu tranh, xử lý tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này là nhiệm vụ lâu dài, đòi hỏi phải được thực hiện thường xuyên, toàn diện và liên tục. Việc phát hiện và xử lý kịp thời các sai phạm sẽ góp phần răn đe và giảm thiểu hành vi vi phạm, đặc biệt là các vi phạm phổ biến trong sản xuất, kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ. Đồng chí Giám đốc Công an tỉnh cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong công tác quản lý thị trường, đấu tranh chống. Việc triển khai các hệ thống công nghệ hiện đại sẽ hỗ trợ hiệu quả trong giám sát, phát hiện và xử lý nhanh chóng các hành vi vi phạm, đặc biệt là trên không gian mạng - nơi buôn bán hàng giả, hàng nhái ngày càng diễn biến phức tạp. Cùng với đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân. Việc hướng dẫn, cảnh báo, khuyến khích người tiêu dùng trang bị kỹ năng kiểm tra, đánh giá chất lượng sản phẩm, độ tin cậy của thương hiệu và uy tín của nhà cung cấp là vô cùng cần thiết. Quan trọng hơn hết, chính là sự chủ động từ mỗi người dân trong việc nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức cảnh giác và tinh thần phòng ngừa xã hội trong hành vi tiêu dùng. Đây sẽ là yếu tố then chốt giúp từng bước đẩy lùi hàng giả, hàng nhái ra khỏi đời sống kinh tế - xã hội.


Đồng chí Đại tá Bùi Quang Bình, Giám đốc Công an tỉnh phát biểu tại hội nghị.


Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Lê Ngọc Châu, Chủ tịch UBND tỉnh, đánh giá cao những nỗ lực của các sở, ngành, địa phương và thành viên Ban Chỉ đạo 389 các cấp, đặc biệt là Công an tỉnh, Sở Công Thương cùng các lực lượng chức năng trong công tác đấu tranh, phòng ngừa, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Nhiều vụ việc, vụ án đã được phát hiện, xử lý nghiêm minh, góp phần răn đe hiệu quả, ổn định tình hình thị trường, đồng thời bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng và cộng đồng doanh nghiệp. Tuy nhiên, đồng chí cũng thẳng thắn chỉ ra rằng những kết quả đạt được vẫn chưa tương xứng với thực tiễn, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay.


Đồng chí Lê Ngọc Châu, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại hội nghị.


Trên cơ sở các ý kiến đóng góp tại Hội nghị, đồng chí đề nghị Công an tỉnh khẩn trương rà soát, bổ sung và hoàn thiện Kế hoạch để sớm đưa vào thực hiện, trong đó cần xác định rõ các nội dung trọng tâm cần triển khai; làm rõ các tuyến, địa bàn, nhóm mặt hàng, chuỗi cung ứng và đối tượng cần kiểm tra, xử lý; phân công, phân cấp rõ ràng trách nhiệm cho các sở, ban, ngành, địa phương, tránh chồng chéo hoặc bỏ sót nhiệm vụ; phải đảm bảo các hoạt động kiểm tra không gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động bình thường của các tổ chức, cá nhân có liên quan. Bên cạnh đó, mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương, đặc biệt là người đứng đầu phải xác định rõ mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ cụ thể của đơn vị mình, phải tổ chức triển khai thực hiện theo phương châm “6 rõ": rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ thẩm quyền, rõ sản phẩm. Đối với các vụ án trọng điểm, cần được điều tra, xử lý theo phương châm: “Xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực" và “Không có vùng cấm, không có ngoại lệ", với mục tiêu cao nhất là bảo vệ sức khỏe, quyền và lợi ích hợp pháp của Nhân dân, người tiêu dùng…