Công an tỉnh Hải Dương đẩy mạnh công tác tuyên truyền luật giao thông đường bộ
Theo đó, trong quá trính tuần tra, kiểm soát trên các tuyến đường thuộc địa bàn quản lý (đường xã, đường thôn), khi phát hiện người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, xe thô sơ có các hành vi vi phạm pháp luật theo quy định như: Không đội mũ bảo hiểm theo quy định; chở quá số người quy định; chở hàng hóa cồng kềnh, quá kích thước giới hạn quy định; dừng, đỗ xe không đúng quy định; lạng lách, đánh võng, điều khiển xe bằng một bánh đối với xe hai bánh; không có gương chiếu hậu ở bên trái theo quy định; sử dụng ô (dù); kéo, đẩy xe khác, vật khác; chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện theo quy định hoặc phát hiện phương tiện giao thông vi phạm nghiêm trọng về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, an ninh, trật tự xã hội nếu không ngăn chặn kịp thời sẽ gây hậu quả nguy hiểm cho xã hội, thì được xử lý theo quy định của pháp luật.
Trong quá trình giải quyết, xử lý vụ việc của các hành vi vi phạm nêu trên, nếu phát hiện hành vi vi phạm khác thì được xử lý theo thẩm quyền, nếu vượt quá thẩm quyền xử phạt thì lập biên bản vi phạm hành chính và báo cáo cấp có thẩm quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính;
Lực lượng khác trong Công an nhân dân khi thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông đường bộ được trang bị gồm: còi, loa, gậy chỉ huy giao thông, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, vũ khí, công cụ hỗ trợ khác theo quy định và các biểu mẫu xử lý vi phạm.
Cũng bắt đầu từ ngày 01/01/2025, Nghị định 168/2024/NĐ-CP của Chính phủ, ban hành ngày 27/12/2024, về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe có hiệu lực. Nghị định 168/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung cho Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định về mức xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ, theo đó, mức phạt đối với hành vi vi phạm được áp dụng cao hơn so với Nghị định 100/2019/NĐ-CP, xử phạt đối với nhiều hành vi vi phạm. Đặc biệt, các hành vi tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông cao sẽ bị xử lý nghiêm khắc. Điển hình như: Vượt đèn đỏ: Mức phạt mới lên đến 20 triệu đồng đối với ô tô, 6 triệu đồng đối với xe máy, tăng gấp nhiều lần so với quy định cũ; Lùi xe trên cao tốc: Hành vi nguy hiểm này có thể bị phạt đến 40 triệu đồng; Dừng, đỗ xe sai quy định trên cao tốc: Mức phạt mới lên đến 14 triệu đồng.
Ngoài ra, Nghị định 168 cũng điều chỉnh mức phạt đối với các hành vi vi phạm thường xuyên xảy ra do thiếu ý thức như: vận chuyển hàng hóa không đúng quy định, không nhường đường cho người đi bộ, sử dụng điện thoại khi lái xe...
Nghị định 168 được xây dựng trong bối cảnh ý thức tham gia giao thông của một bộ phận người dân còn hạn chế, tình trạng vi phạm diễn ra phổ biến.
Việc tăng nặng mức xử phạt nhằm mục đích: Nâng cao tính răn đe, buộc người tham gia giao thông phải nghiêm túc tuân thủ luật lệ; Giảm thiểu tai nạn giao thông: Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm là biện pháp quan trọng để phòng ngừa và hạn chế tai nạn giao thông, bảo vệ tính mạng người dân; Xây dựng văn hóa giao thông: Nghị định 168 góp phần hình thành thói quen, ý thức tham gia giao thông văn minh, an toàn.
Nghị định 168 là một bước tiến quan trọng trong việc đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Tuy nhiên, để Nghị định thực sự phát huy hiệu quả, cần có sự chung tay, góp sức của toàn xã hội. Mỗi người dân cần nâng cao ý thức trách nhiệm, tự giác chấp hành luật giao thông, góp phần xây dựng một môi trường giao thông an toàn, văn minh cho đất nước.
Tại Hải Dương, trong giai đoạn này, lực lượng CSGT, Công an cấp xã đã và đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về ANTT, TTATGT, các văn bản pháp luật mới có liên quan được áp dụng từ 01/01/2025 để người dân trên địa bàn nằm và chấp hành, đồng thời cũng chủ động công tác tuần tra, nhằm kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm liên quan đến lĩnh vực an ninh, trật tự, trật tự an toàn giao thông.